Bài 1: Viết thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để bảo vệ rùa
Người dân Hà Nội và báo giới thường trìu mến gọi PGS Hà Đình Đức là “ông Đức “rùa”, hay “nhà rùa Hồ Gươm học”. Lý do vì ông Đức là người dành nhiều thời gian, tâm huyết, cũng là người tiên phong “lớn tiếng” bảo vệ cụ rùa.
Thế nhưng, ít ai biết, danh xưng ấy đến với ông cũng rất… tình cờ.
PGS Hà Đình Đức - người 25 năm “kết duyên” với cụ rùa Hồ Gươm. |
‘Duyên trời định’
Gần 25 năm trước, ngày 15/3/1991, PGS Hà Đình Đức đi qua Hồ Gươm đúng lúc cụ rùa nổi lên mặt nước. Đây cũng là lần đầu tiên ông tận mắt nhìn thấy rùa nổi, dù ông dời quê Thanh Hóa lên Hà Nội lập nghiệp từ năm 1959.
Khi đó, ông Đức đang công tác tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, giảng viên Khoa Sinh học. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của ông là khỉ và… chim.
Đã có những thời điểm, ông lang thang cả tuần lễ trên phố Lò Đúc để nghiên cứu các loài chim di trú trên những hàng sao đen cổ thụ của phố này. Có những cây, tổ chim dày đặc lên tới 25 – 30 tổ/ngọn cây, với đủ các loài sâm cầm, le le, cò, vạc…
Cụ rùa nằm phơi nắng dưới chân Tháp Rùa ngày 16/3/2014. (Ảnh: PGS Hà Đình Đức cung cấp). |
Chuyện gặp rùa nổi ngày 15/3/1991 tưởng như là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng chính ông Đức cũng không biết bắt đầu từ thời điểm đó, cụ rùa Hồ Gươm đã trở thành một phần trong cuộc đời ông.
Bẵng đi mấy tháng, Đài Truyền hình Hà Nội mời ông nói chuyện về rùa Hồ Gươm trong một phóng sự của họ. Ông bắt đầu “để mắt” tới cụ rùa từ lúc đó.
Năm 1992, có chủ trương nạo vét hồ Gươm và thay nước hồ bằng nước sông Hồng. “Cuộc chiến” bảo vệ rùa và Hồ Gươm của PGS Hà Đình Đức chính thức bắt đầu.
Ngày 15/2/1992, ông Đức gửi thư lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT - nay là Thủ tướng Chính phủ) kiến nghị tạm thời dừng việc cải tạo, nạo vét, thay nước Hồ Gươm.
“Vừa qua, tôi được biết Viện Xây dựng Đô thị và Công nghiệp (Bộ Xây dựng) sẽ tiến hành nạo vét hồ, thay nước. Công việc này sẽ làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn của loài rùa quý này và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong.
Để bảo vệ loài rùa quý này, tôi tha thiết đề nghị tạm hoãn công việc nạo vét cải tạo lòng hồ để tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh thái và sinh học của loài rùa này cũng như điều kiện sống hiện tại của chúng và có ý kiến chính thức của các chuyên gia động vật học về vấn đề này… để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Cái giá sẽ phải trả cho sự mất mát đó không có gì bù đắp được.” – trích thư gửi Chủ tịch HĐBT của PGS Hà Đình Đức ngày 15/2/1992.
Văn bản kiến nghị của PGS Hà Đình Đức và văn bản chỉ đạo của Chủ tịch HĐBT về việc dừng nạo vét, thay nước Hồ Hoàn Kiếm để bảo tồn, nghiên cứu rùa Hồ Gươm. |
Ý kiến của PGS Hà Đình Đức cũng được sự ủng hộ của Ủy ban Môi trường Thủ đô Hà Nội, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện KHVN); Sở VHTT Hà Nội và một số cán bộ khoa học.
Hơn 2 tuần sau, ngày 3/3/1992, Phó chủ nhiệm Văn phòng HĐBT Vũ Đình Thuần gửi văn bản số 753 tới Bộ Xây dựng, Ủy ban Khoa học Nhà nước, UBND TP.Hà Nội và PGS Hà Đình Đức truyền đạt ý kiến Chủ tịch HĐBT .
Chủ tịch HĐBT chỉ đạo chưa tiến hành việc nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm; yêu cầu Bộ Xây dựng và Ủy ban Khoa học Nhà nước gặp và làm việc cụ thể với PGS Hà Đình Đức và những cơ quan liên quan về việc bảo vệ loài rùa hiện đang sống trong hồ Hoàn Kiếm.
“Lúc đó, tôi được biết phương án nạo vét hồ Hoàm Kiếm là theo phương pháp của Nga, dùng 6 ống hút để hút 100.000m3 bùn đất dưới lòng hồ, sau đó bơm nước sông Hồng vào để thay nước Hồ Gươm.
Ai cũng biết nước sông Hồng đỏ quạch phù sa. Còn Hồ Gươm thì “nước xanh như pha mực”. Đấy là do tảo và lớp thực vật dưới đáy hồ. Đó là môi trường sống, hệ sinh thái để nuôi rùa Hồ Gươm.
Nếu thực hiện phương án nạo vét, thay nước thì khác gì phá bỏ môi trường sống đã quen thuộc hàng trăm năm của rùa?” – PGS Hà Đình Đức rành rọt từng mốc ngày tháng.
Cái duyên gắn với rùa hồ Gươm của ông Đức bắt đầu như thế.
Nhớ từng ngày tháng không cần giở sổ
Những bức tượng rùa bằng đủ loại chất liệu trong phòng làm việc của ông Đức |
Gần 20 năm sau, ngày 11/1/2011, PGS Hà Đình Đức lại là người đầu tiên “khởi xướng”, trực tiếp kiến nghị với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc phải trị bệnh cho Cụ Rùa, khi hình ảnh cụ rùa với bệnh tật, lở loét khắp người được báo chí phản ánh.
Một tuần sau, ngày 17/01/2011, Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm tại QĐ số 807 do ông Nguyễn Thế Thảo ký.
Ông Đức “rùa” là một trong 9 thành viên của Ban này, bên cạnh 1 phó chủ tịch TP và 7 Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, ban, ngành của Hà Nội.
Câu chuyện chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm xảy ra gần 5 năm trước. Thế nhưng, ông Đức vẫn rành rẽ từng ngày tháng mà không cần giở sổ.
Ông Đức sinh năm 1940. Xung quanh bàn làm việc, chỗ ông ngồi, những bức ảnh, những bức tượng rùa bằng đủ loại chất liệu; tranh ảnh về rùa, về Hồ Gươm, về Tháp Rùa ngồn ngộn… Tưởng như, chúng có thể đủ để lập thành một phòng trưng bày về cụ rùa của riêng ông Đức.
Theo VNN