Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê”

VietTimes – Là một trong những người Việt xa quê hồi hương sớm nhất, TS. Nguyễn Hữu Liêm làm bất cứ việc gì cũng trăn trở về tinh thần Việt Nam.
TS Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College.
TS Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College.

Ông tiến sĩ nhiều nghề

Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. Đến Mỹ năm 1975 sau ngày 30/4, Nguyễn Hữu Liêm đi học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công (ĐH Texas). Về California công tác, ông tiếp tục đi học luật. Nguyễn Hữu Liêm tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, là chủ một hãng luật tư nhân tại Mỹ. Vẫn không dừng lại, Nguyễn Hữu Liêm tiếp tục trở lại trường ĐH, lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University, tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies.  

Những năm đầu đến Mỹ, tâm trạng xa quê của một  người Việt vật lộn với đời sống kinh tế, vật chất, cản trở cách biệt văn hóa, ngôn ngữ không dễ chịu gì, chẳng khác nào con cá bị lấy ra khỏi dòng sông.

Là một trong những người Việt xa quê hồi hương sớm nhất, từ năm 1989, qua đường Thái Lan, cho đến nay TS Nguyễn Hữu Liêm nhiều lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam, tư vấn về luật quốc tế và có những lịch trình giảng dạy tại một số trường Đại học.

Bài giảng của ông đặt ra những vấn đề gai góc như: “Có phải lịch sử đã đến hồi chung cuộc?” Theo Kojeve, phiên giải triết học Hegel, thì lịch sử nhân loại - như là một hành trình của ý thức tự do - đã đến hồi kết cuộc. Trên cơ sở bằng chứng và lý luận nào mà các triết gia  Âu-Mỹ có thể nói như vậy? Đây là đề tài triết học đã từng gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn triết học thế giới trong suốt nhiều thập niên qua. GS Nguyễn Hữu Liêm nói với sinh viên Việt về những phê phán cơ bản về luận cứ này và đưa ra những nhận xét của ông.  

Về Việt Nam nhiều lần, với kiến thức chính yếu triết học, ông Tiến sĩ đã cưu mang một nỗi niềm “vong quốc”, để từ đó ông xét lại lịch sử của nước Việt Nam với một lăng kính triết lý mà ông lập luận, ghi thành tác phẩm “Sử Tính và Ý Thức” (đã xuất bản và giới thiệu đến công chúng hồi năm 2016); “Thời tính, Hữu thể và Ý chí” (xuất bản năm 2018) giúp cho thế hệ trẻ qua những tác phẩm giá trị này, có thêm cái nhìn mang tính triết học về lịch sử của Việt Nam.

“Đây là một hành trình Sử Lý qua cái Ta của Việt tộc trong tiến trình khai mở năng lực tự ý thức. Như là một nhân thể, quốc gia Việt Nam được thụ thai từ đời Hồng Bàng, qua các vua Hùng và suốt 10 thế kỷ cưu mang, chính thức khai sinh chào đời với nhà Đinh, đến thời kỳ lớn dậy trong ý thức thân xác / lãnh thổ, nuôi dưỡng sinh mệnh qua các thời Lý, Trần, Lê, đến những thời kỳ tự phân thể, nội chiến, khủng hoảng để hồi sinh và trưởng thành…”

“Đã đến lúc chúng ta, người Việt Nam, hay cho những ai quan tâm đến Việt Nam, hãy nhìn lại lịch sử Việt từ góc độ triết học. Thế nào là góc độ triết học? Lịch sử, hay bất cứ một đối thể nào mà tri thức con người cần thông hiểu, đều là sản phẩm của kiến tạo và phiên giải. Khi nhìn lịch sử trên cơ sở triết học, chúng ta nhìn quá khứ Đã Là qua các phạm trù siêu hình khi mà sự kiện và sử liệu từ thời gian đã được chuyển hóa và nâng lên tầm mức khái niệm” – TS Nguyễn Hữu Liêm viết trong cuốn “Sử tính và Ý thức”.

Tác giả nêu lên những giai đoạn lịch sử mà những mấu chốt này đã khiến cho ông tư duy nhìn ra “tính triết học”, nhìn ra bản chất của vấn đề, những “nguyên nhân” để từ đó đột phát, hoặc kéo dài trì trệ, hoặc là “sự lặp lại” của lịch sử v.v... Những điều mang tính triết lý cao thâm này, được tác giả giải thích cũng như định nghĩa qua “Sử tính”.

Ông viết: “Cái Đang Là nắm tay với Sẽ Là, quốc gia lớn lên thành quốc thể, để cá thể trở nên công dân. Đây là Thời Quán mà tổng thể sinh hiện từ chủ quan đến khách quan được đồng quy trên biện chứng tự ý thức, khi chủ và nô không còn nữa, và ý chí lịch sử sẽ là năng lực tinh thần mới cho một khả thể hạnh phúc từ thực tế khách quan đến đời sống nội tâm. Đó chính là lúc mà Ý Niệm Nhân Thức đã dung hợp với khái niệm và thực tại để cho chữ Thời và ý Sử sẽ không còn là mối bận tâm cho chúng ta”. 

Tự hào với hai chữ “Nhà quê”

“Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu - vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên - vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!” – TS Nguyễn Hữu Liêm chia sẻ.

Theo ông “triết gia nhà quê” đánh giá, thì hình như trên nấc thang phát triển trí tuệ, người Việt vẫn còn đang ở nấc thang thi ca, văn chương, và phiên dịch sách ngoại ngữ, trí thức nào cũng làm thơ, viết truyện ngắn và (nếu có ngoại ngữ) sẽ dịch một vài cuốn sách nước ngoài, chứ chưa đến tầm mức tư duy khái niệm.

“Tôi đã phân tích vấn đề này kỹ trong cuốn “Sử Tính và Ý Thức”. Vấn đề tổng thể chung mà tôi đã nói trong cuốn “Sử Tính” rằng dân tộc ta, về trọng tâm tiến hóa, vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Thành ra, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ, khoa học gia, chuyên gia, tu sĩ, lãnh đạo, dù học vị cao bao nhiêu, họ vẫn là những chàng niên thiếu ở khoảng tuổi 15-16. Đây là cơ bản của tất cả mọi vấn đề cho lịch sử và xã hội Việt Nam xưa nay. Tức là nói chung, dân tộc ta vẫn chưa đến tuổi trưởng thành” – TS Nguyễn Hữu Liêm phân tích.

Mới nhất, ông “triết gia nhà quê” có thêm ấn phẩm “Cám dỗ Việt Nam” vừa ra mắt, giới thiệu tới công chúng đọc. Một cuốn bút ký nhiều tính tự sự, nặng lòng với hai chữ “Việt Nam”.

Thế hệ ra đi và trở về từ rất sớm cực kỳ khó khăn, hầu như không thể chữa khỏi vết thương trong lòng. Nhiều người luôn che đậy vết thương, e ngại nhìn lại quá khứ, sợ đối diện hiện tại, và thậm chí trốn chạy tương lai.

“Không ai muốn nhìn lại vết thương hai lần – vì sự đau đớn về hoài niệm sẽ còn sâu sắc hơn vết thương khi mới bị bắt đầu. Nhưng ở đây, tôi sẽ nhìn thẳng vào vết thương của lịch sử và văn hóa, con người Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, như là nhìn lại sự đau khổ mà tôi cùng chia sẻ từ tâm khảm đối diện đó. Không những thế, tôi muốn mở rộng và mạnh vào vết thương để cho mủ máu nhiễm trùng được tuôn  thoát ra ngoài (…) Vì tựu trung thì con người Việt Nam tự bản sắc là một hiện tượng tinh thần trong một bản sắc tư duy, tâm lý, và ý chí muốn vươn thoát cơ năng thân xác và căn cước tính vốn đầy thương tích và gian khổ” – TS Nguyễn Hữu Liêm viết trong cuốn “Cám dỗ Việt Nam”.

Có khoảng cách văn hóa và muốn về quê

“Về hưu, tôi muốn được sống ở quê!” – TS. Nguyễn Hữu Liêm nói. Nhắc tới “Cám dỗ Việt Nam”, ông “triết gia nhà quê” cười vui kể: “Ở Mỹ tôi hầu như không uống bia, nhưng về Việt Nam, lại thích ngồi nhậu vỉa hè với bạn. Không phải bia Việt Nam ngon hơn bia Mỹ hay bia Đức, mà là cái hương vị, không khí của quán nhậu Việt Nam rất hấp dẫn, cuốn hút, đầy cám dỗ, khó mà thoát được nó. Đôi khi có nghĩ đến khía cạnh mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan trên quán nhậu vỉa hè nhưng cũng quên ngay. Sự thực là bạn bè tôi cũng từ chối ăn trong Sofitel và thấy rất ngon miệng với quán nhậu vỉa hè quận Bình Thạnh, ngồi ăn mà chuột chạy dưới chân, rác với vỏ lon bia vứt đầy xung quanh”.

Nhà hàng quán nhậu vỉa hè rất nhiều khi được chế biến bởi những nguồn không kiểm soát, nguồn thực phẩm bệnh, gia vị quá nhiều hóa chất, hoặc quá trình chế biến có thể khiến thực phẩm nạp vào cơ thể sẽ trở thành nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư.

Trả lời cho câu hỏi có biết về những vấn nạn này không, TS. Nguyễn Hữu Liêm bảo: “Vẫn biết lối sinh hoạt này là rất có vấn đề, nhưng ai cũng vẫn bị cuốn vào, như thể có một ý niệm sâu xa từ trong tiềm thức, rằng mình là người Việt, nên việc mình hòa vào đời sống Việt như thế là hoàn toàn bình thường”.

Kể về gia đình riêng, TS Nguyễn Hữu Liêm cho biết đã duy trì đời sống hôn nhân gần 40 năm nay. Hai vợ chồng gốc Việt thì hướng về quê hương nhiều hơn nhưng ba cô con gái thì gần như đã “Mỹ hóa” hoàn toàn.

“Ví dụ khi tranh luận với nhau, vợ tôi cứ nói tiếng Việt còn mấy đứa con thì nói tiếng Anh. Hai bên vẫn hoàn toàn hiểu nhau, nhưng vẫn có một khoảng cách văn hóa nhất định. Không đến mức trở thành xung đột, nhưng chắc chắn là có khoảng cách. Tuy nhiên, quan niệm giáo dục trong gia đình của tôi khá cởi mở, không áp đặt. Chúng tôi là người Việt nhưng phải chấp nhận sự thật những đứa con sinh ra trên đất Mỹ, chúng là người Mỹ” – TS Nguyễn Hữu Liêm nói.

Ông “triết gia nhà quê” cho biết rất tự hào với biệt danh này, TS Nguyễn Hữu Liêm vẫn còn rất nhiều công trình đang tiếp tục nghiên cứu, ấp ủ, ghi chép lại và mong có thể trở thành những ấn phẩm có giá trị cho người đọc Việt tham khảo. Dòng máu Việt chảy trong huyết quản là điều không thể thay đổi, ông mong mỏi các thế hệ người Việt trẻ có thể “lớn lên” nhanh hơn, đáp ứng với những thay đổi của thế giới tốt hơn.