|
Lương trung bình tháng của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 so với Malaysia |
Tóm tắt:
- Tiền lương trung bình tháng của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 so với Malaysia và bằng 1/2 tiền lương ở Thái Lan và Trung Quốc.
- Theo dự báo của Towers Watson, nếu tính cả yếu tố lạm phát, tiền lương của Việt Nam năm 2015 có thể tăng 4,1%
- Đối với chính phủ Việt Nam, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa thu nhập của người dân và đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.
Trong một nghiên cứu mới đây của Công ty dịch vụ đầu tư quốc tế Dezan Shira & Associates về thị trường ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp bảng so sánh tiền lương tối thiểu, tiền lương trung bình và GDP/người của các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam dựa trên số liệu lao động - tiền lương của ILO năm 2012 và số liệu GDP của World Bank năm 2013.
Theo Chris Devonshire-Ellis, Chủ tịch Dezan Shira & Associates, trong khu vực Châu Á, Philippines và Việt Nam là 2 quốc gia đang dần thay thế Trung Quốc trong chuỗi chuyển dịch của công xưởng thế giới, đều có lợi thế về nguồn lao động lớn và chi phí tiền lương rẻ.
Nhìn trên biểu đồ có thể thấy, tiền lương trung bình 1 lao động Trung Quốc kiếm được cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với người lao động thuộc các nền kinh tế mới nổi khác ở Châu Á. Cụ thể, so với Việt Nam và Philipines, tiền lương của Trung Quốc cao gấp 2 lần; so với Ấn Độ và Indonesia, con số này cao gấp 3 lần.
Như vậy, so với Trung Quốc – đất nước có chi phí tiền lương đang tăng cao chóng mặt thì các nước còn lại trong khu vực Châu Á đều có mức lương khá cạnh tranh; đáng chú ý là Ấn Độ và Indonesia – 2 quốc gia có nguồn lực lao động dồi dào.
Tiền lương trung bình tháng của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 so với Malaysia và bằng 1/2 tiền lương ở Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, tiền lương của Việt Nam cao hơn Indonesia 47USD/tháng và vẫn thấp hơn Philipines 19USD/tháng.
Trong khi đó, dự báo về triển vọng tiền lương khu vực Châu Á năm 2015 của Công ty tư vấn nhân sự Towers Watson cho hay, nếu tính cả yếu tố lạm phát, tiền lương của Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu năm 2015 với mức tăng 5,2%. Việt Nam theo sát Trung Quốc với 4,1%; Ấn Độ 3,5%; Indonesia 3,3%; Malaysia và Singapore 2,2%.
Mức dự báo này phù hợp với xu hướng gần đây của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng phụ thuộc vào từng vùng từ 250.000-400.000 VNĐ. Đây là lần tăng lương thứ 4 của Việt Nam trong vòng 5 năm.
Trước đó, mức lương tối thiểu vùng của Việt Nam tăng 9,9% năm 2010; 30,1% năm 2012 và 15,2% năm 2013. Các mức tăng này đều phù hợp với lạm phát từng năm của Việt Nam: năm 2010 là 8,9%; năm 2011 là 18,7%; năm 2012 là 9,1% và năm 2013 là 6,6%.
Đối với chính phủ Việt Nam, thách thức lớn nhất là cân bằng giữa thu nhập của người dân và đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Gần đây, Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát và thu hẹp khoảng cách về tiền lương.
Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới một thị trường, 1 cơ sở sản xuất hàng đầu Đông Nam Á nhưng vẫn có khả năng cạnh tranh về tiền lương với các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Theo Trí thức trẻ