|
Doanh nghiệp cung ứng thực phẩm của tỉnh Tiền Giang ký hợp tác cung cấp thực phẩm an toàn cho TP Đà Nẵng. |
Chiều 1/8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng và Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức đánh giá kết quả hợp tác cung ứng thực phẩm an toàn cho TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng cho biết, qua gần 3 năm thực hiện ký kết hợp tác xây dựng, sản xuất - phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn giữa Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang và Ban Quản lý ATTP TP, sản lượng trái cây nhập từ tỉnh Tiền Giang (tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long) về tiêu thụ tại chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) ước tính khoảng 1.750 tấn/tháng (tương đương khoảng 21.000 tấn/năm, chiếm khoảng từ 35 - 40% lượng trái cây về phân phối tại chợ đầu mối Hòa Cường). Các nông sản chủ yếu là cam, bưởi, vú sữa, mận, ổi, xoài, thanh long các loại… được cung ứng từ 94 hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, đóng gói tỉnh Tiền Giang.
Để đảm bảo cung ứng sản phẩm ATTP, tỉnh Tiền Giang đã cấp chứng nhận và duy trì 99 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP Đà Nẵng, trong đó có 5 chuỗi cung ứng sản phẩm cung cấp cho TP Đà Nẵng.
Đặc biệt, từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024, tỉnh Tiền Giang đã lấy 1.576 mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP đối với các sản phẩm cung ứng cho thị trường Đà Nẵng. Kết quả: có 1.575 mẫu đạt, 71 mẫu không đạt.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang và Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã phối hợp xây dựng, sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn giữa các doanh nghiệp địa phương.
Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng và xác nhận được 4 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn từ cơ sở trồng trọt, sơ chế, chế biến tỉnh Tiền Giang đến các siêu thị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã xây dựng và xác nhận 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia 3 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng trọt, sơ chế, chế biến tại tỉnh Tiền Giang cung cấp cho 3 trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, giữa 2 đơn vị đã hình thành kênh trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung và công tác quản lý sản phẩm nông lâm thủy sản nói riêng được nâng cao…;phối hợp tốt trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu đầu vào và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân”, ông Nguyễn Tấn Hải cho biết thêm.
Cũng theo Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, trong thời gian tới, Đà Nẵng và Tiền Giang sẽ tiếp tục hợp tác trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, cung ứng nông lâm sản và thủy sản liên tỉnh; phối hợp triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm nông sản từ cơ sở trồng trọt, thu mua, sơ chế tỉnh Tiền Giang đến cửa hàng bán lẻ tại Đà Nẵng, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…
Được biết, mỗi năm, Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 62.000 tấn rau, 48.000 tấn trái cây, 44.200 tấn thịt gia súc gia cầm, 87.000 tấn thủy sản khai thác, 4.000 tấn thủy sản nuôi. Tuy nhiên, sản xuất nông sản tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng dưới 10% nhu cầu rau, 15 - 20% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, hơn 20% nhu cầu thủy sản nuôi. Còn lại, gần 85% tổng nông sản tiêu thụ của Đà Nẵng là nhập khẩu và nhập từ các địa phương khác.
Theo thống kê từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng rau, trái cây nhập vào chợ Đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) được thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ là 284.268 tấn. Trong đó, có 120.907 tấn, rau, củ, quả được nhập chủ yếu từ các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh; 163.361 tấn trái cây chủ yếu lấy từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Ninh Thuận… Đây cũng là nguồn cung cấp chủ yếu cho 72 chợ truyền thống, gần 565 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng.