Tiêm vaccine COVID-19: Sẽ có phản ứng, nên điều kiện hàng đầu là đảm bảo an toàn tiêm chủng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngay sau khi lô vaccine COVID-19 đầu tiên về Việt Nam, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tại 700 điểm cầu để triển khai kế hoạch tiêm vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19,
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19,

Sẽ có phản ứng sau tiêm

Vaccine phòng COVID-19 đang là vấn đề nóng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Các nước đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Cho đến nay, đã có khoảng 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 8/3, mũi vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm ở Việt Nam. Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lần này nhằm phòng, chống dịch chủ động cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng với mục tiêu 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ mũi vaccine và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Vaccine COVID-19 là vaccine phát triển nhanh nhất, ra đời sớm nhất và sử dụng nhanh nhất. Do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của vaccine nên sự khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine có thể khác nhau, có loại 90%, có loại 95%, có loại 97%; thời gian bảo vệ có vaccine lên tới 2 năm, có loại 1 năm, có loại chỉ 6 tháng. Vì thế, song song với nhập khẩu, Việt Nam phải chủ động nghiên cứu, sản xuất vaccine nội địa để bảo đảm an ninh y tế là rất quan trọng.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - chủ trì hội nghị

GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - chủ trì hội nghị

Chương trình COVAX Facility do GAVI, WHO sáng lập cung cấp vaccine COVID-19 cho khoảng 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ước tính, chương trình sẽ cung cấp vaccine miễn phí để tiêm cho khoảng 15-16% dân số của 92 nước, trong đó có Việt Nam. COVAX Facility cho biết sẽ phân bổ khoảng 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam từ tháng 2-5/2021.

Để kịp thời sử dụng vaccine từ các nguồn cung ứng khác nhau, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: Vì vaccine quá mới mẻ, nên phải xác định có phản ứng xảy ra sau khi tiêm.

Phải đảm bảo an toàn tiêm chủng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã rất thận trọng, chờ giấy chứng nhận của Hàn Quốc và đánh giá xung quanh lô vaccine về Việt Nam mới triển khai. Số lượng hạn chế, nên lần này sẽ tập trung ưu tiên đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và những đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, vì khả năng lây nhiễm của họ cao. Cũng không thể phân bổ vaccine cho 63 tỉnh, thành mà chỉ phân bổ cho những tỉnh có dịch. Ngày 8/3 sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM.

Do vaccine lần đầu sử dụng nên để đảm bảo nguyên tắc an toàn tối đa cho người dân, Bộ Y tế đã trao đổi với các cơ quan chuyên môn để tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn nhất ở tất cả các cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo cụ thể việc triển khai tiêm chủng tại các địa phương

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo cụ thể việc triển khai tiêm chủng tại các địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam sẽ tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm, có thể mất thời gian hơn nhưng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các hoạt động đã được tối giản để đảm bảo nhanh chóng với việc quản lý hệ thống tiêm chủng trên hồ sơ sức khoẻ người dân.

Công tác truyền thông về tiêm chủng rất quan trọng vì có thể sẽ có tai biến xảy ra, nhưng không vì thế mà làm chậm lại. Có thể mức độ bảo vệ không đạt 100%, nên vẫn có khả năng bị nhiễm, nhưng 100% người được tiêm chủng sẽ nhạy hơn, nếu có mắc cũng không gây tử vong. Truyền thông phải rất rõ về lợi ích của vaccine và khuyến khích người dân có niềm tin với vaccine.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế sẽ huy động lực lượng toàn ngành y tế tiêm chủng. Đây sẽ là chiến dịch tiêm phòng lớn nhất toàn quốc với hơn 100 triệu mũi tiêm/năm.

"Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vaccine. Lợi ích vaccine ngừa COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: Vaccine sẽ sử dụng là vaccine AstraZeneca của Hàn Quốc, được Tổ chức Y tế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021; đã được 25 quốc gia lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Phản ứng thông thường sau tiêm virus COVID-19 có thể gặp trên 10% với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, sốt nhẹ, khó chịu, ớn lạnh vv… Cho đến nay, chưa có bằng chứng về việc phản ứng nghiêm trọng ở các nước liên quan đến vaccine.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu: 21 bệnh viện được tiêm trong đợt đầu là sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các BV lên danh sách cụ thể và tuyệt đối không đưa người thân vào danh sách ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19.

Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) trình bày kế hoạch truyền thông về tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo hiệu quả nhất

Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) trình bày kế hoạch truyền thông về tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo hiệu quả nhất

Tại hội nghị, các chuyên gia hàng đầu đã hướng dẫn rất chi tiết việc tiêm vaccine COVID-19 ở cơ sở với phương châm “chuẩn bị tối đa, làm tối thiểu” để đảm bảo an toàn tiêm chủng cũng như an toàn phòng dịch: không tiêm quá 100 người ở một điểm; chuẩn bị bơm kim tiêm, các dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm chủng; cách xử trí cấp cứu vv…

Đại diện Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Cường cũng đưa ra kế hoạch truyền thông về tiêm chủng COVID-19, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Theo đó, vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông, ứng xử trước các tin đồn cần được lưu ý đặc biệt; phối hợp với báo chí, mạng xã hội và truyền thông mọi lúc, mọi nơi vv...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tỉnh phải xây dựng kế hoạch tiêm chủng; hướng dẫn việc chọn các đối tượng tiêm chủng mở rộng; yêu cầu các cơ sở dự kiến số lượng vaccine dựa trên cấp phép của Bộ Y tế; tiêm mũi một và mũi 2 phải cùng loại vv…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu 13 địa phương có dịch được phân bổ vaccine phải đảm bảo công bằng trong các đối tượng tiếp nhận. Những địa phương chưa được phân bổ sẵn sàng kế hoạch để khi có, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay. Hiện Bộ Y tế đang đàm phán với nhiều hãng để có thêm vaccine về Việt Nam, đảm bảo nguồn cung, chất lượng vaccine cho người dân. Bộ Y tế sẽ công khai giá sau khi đàm phán xong.

“Đây là lần đầu tiêm vaccine quy mô lớn cho người lớn, nên Bộ Y tế sẽ giám sát, đánh giá và thực hiện với phương châm tiêm càng nhanh càng tốt và tiêm mũi sau mũi một là 3 tháng. Các địa phương phải thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn, xử lý sốc phản vệ nhanh nhất có thể” – Bộ trưởng lưu ý.

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 sẽ được triển khai ưu tiên trước cho các tỉnh, thành phố đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Tỉnh, thành phố có các đô thị lớn, có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp; Tỉnh, thành phố có đầu mối giao thông quan trọng.