Thương vụ 85 tỷ USD của AT&T gặp khó về pháp lý

Nhà mạng AT&T (Mỹ) đang tham vọng tạo nên ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ với việc đề nghị mua lại Time Warner, hãng truyền thông khổng lồ, với giá 85 tỷ USD
Randall Stephenson, Giám đốc điều hành của AT&T. Ảnh: AP.
Randall Stephenson, Giám đốc điều hành của AT&T. Ảnh: AP.

Nhiều nhà phân tích đang hoài nghi về việc liệu thương vụ 85 tỷ USD giữa AT&T, nhà mạng viễn thông hàng đầu nước Mỹ và Time Warner, gã khổng lồ truyền hình, sở hữu nhiều kênh truyền hình như HBO, CNN và xưởng phim Warner Bros lừng danh có thể thành công không khi đang vấp phải hàng rào pháp lý.

AT&T thì liên tục cho rằng đây là một thương vụ sát nhập dọc, thương vụ giữa hai công ty không chung một ngành kinh doanh. Do không trực tiếp thôn tính một đối thủ cạnh tranh thị phần nên thương vụ này theo AT&T là hoàn toàn hợp pháp.

Vào năm 2011, AT&T từng ngỏ ý muốn thâu tóm T-Mobile nhưng bị nhà chức trách từ chối vì tính chất sát nhập ngang của thương vụ.

Tuy nhiên người Mỹ đã không còn lạ lẫm với khái niệm truyền hình miễn phí qua mạng di động của AT&T và đây là điểm khiến các nhà chức trách lo ngại.

Dịch vụ truyền hình miễn phí của AT&T hiện cho phép người dùng sử dụng mạng 4G để xem TV, video trực tuyến từ nhiều nhà cung cấp nội dung mà hoàn toàn không bị tính phí dữ liệu.

Các đài truyền hình, đơn vị sản xuất nội dung nếu muốn được đưa vào danh sách phát miễn phí của AT&T phải trả cho nhà mạng này một khoản phí không nhỏ. Các đơn vị này đang lo ngại nếu Time Warner về tay AT&T, hãng sẽ ưu ái "gà nhà" mới mua được và nâng giá với các đơn vị còn lại.

Hoặc thậm chí, nếu không tăng giá, AT&T cũng có thể ưu tiên nội dung trên Time Warner được truyền tải với tốc độ cao hơn, mượt mà hơn các nhà đài khác. Đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh mà các nhà chức trách Mỹ đang phải tính toán trước khi cho phép AT&T mua Time Warner.

Nhiều nhà quản lý lo ngại, dù tất cả các hãng viễn thông đã ký và đồng ý sẽ truyền nội dung từ các kênh truyền hình, các hãng giải trí với tốc độ ngang nhau, AT&T vẫn có thể lách luật bằng cách ưu tiên nội dung từ Time Warner được xem miễn phí không giới hạn, trong khi đó các kênh khác sẽ có mức hạn chế miễn phí, sau mức này người xem sẽ phải trả tiền.

Với sự phát triển của công nghệ, mạng 5G trong tương lai hoàn toàn có khả năng truyền video độ nét cao một cách mượt mà về những màn hình lớn hơn như TV. Khi đó liên minh AT&T-Time Warner sẽ có lợi thế cạnh tranh quá lớn so với các nhà mạng viễn thông lẫn các hãng truyền thông khác.

Đây sẽ là thương vụ mà cả AT&T và Time Warner được hưởng lại rất lớn về mặt lợi thế cạnh tranh. Một bên, AT&T sẽ áp đảo các nhà mạng còn lại nhờ có nội dung truyền hình miễn phí, độc quyền từ Time Warner. Mặt khác, hãng truyền thông cũng có lợi thế không nhỏ trước các đối thủ khi phủ sóng rộng hơn, rẻ hơn nhờ AT&T.

Đây là những điểm đang khiến các nhà làm luật phải xem xét trong vài tháng tới đây, khi họ xem xét thông qua thương vụ 85 tỷ USD này. Trước đó AT&T đã mua lại thành công DirecTV, đơn vị chuyên cung cấp truyền hình trả tiền thông qua Internet. Nhà mạng số 1 nước Mỹ đang thể hiện rõ tham vọng mở rộng sang lĩnh vực truyền thông, tạo lợi thế cạnh tranh trong một thi trường viễn thông di dộng Mỹ đã trở nên bão hòa.

Theo Zing.vn