Thưởng thức hương vị độc đáo của 11 tách trà đến từ các quốc gia trên thế giới (P.2)

VietTimes – Không đơn giản chỉ là thức uống, trà còn chứa đựng cả nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia.

6. Trà bơ - Tây Tạng

Ảnh: Travel.Earth

Có lẽ chỉ ở nơi khí hậu khắc nghiệt như Tây Tạng, người ta mới tìm ra cách dung hòa giữa trà và bơ để tạo ra loại thức uống đặc biệt bổ sung năng lượng và giữ ấm cơ thể.

Phương pháp chế biến loại trà truyền thống này bắt đầu với công đoạn nghiền nhỏ bánh trà Phổ Nhĩ và đun trong nước sôi vài giờ để tạo ra “chaku”. Sau đó, họ rót trà đặc chaku vào ấm đồng (chandong), đồng thời nêm thêm muối hồng Tây Tạng và bơ từ sữa bò Yak. Trà bơ Tây Tạng hấp dẫn nhờ vị hơi mặn, đắng và béo ngậy của bơ là món đặc sản mà du khách tới đây không thể bỏ qua.

7. Trà Chai – Ấn Độ

Ảnh: Travel.Earth

Ngoài Trung Quốc và Anh, Ấn Độ cũng được coi là một trong những quốc gia tiêu thụ trà nhiều nhất thế giới. Thực tế, thức uống phổ biến nhất của người dân địa phương là trà “Chai” sữa ngọt. Các chuyên gia tin rằng thói quen uống trà của Ấn Độ do ảnh hưởng từ người Anh. Trong Cuộc chiến Thuốc phiện giữa Anh và Trung Quốc vào giữa thế kỷ XIX, chính phủ Anh muốn biến Ấn Độ thành nông trường sản xuất trà đen Trung Quốc. Mặc dù kế hoạch thất bại nhưng họ lại tìm ra nhiều giống trà mới ở Thung lũng Assam.

Mặc dù ngày nay, văn hóa uống tại đây chưa phát triển thành nghi thức phức tạp như ở Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng du khách vẫn dễ dàng tìm thấy những quán trà nằm rải rác trên đường phố Ấn Độ. “Chai wallah” (chủ quán trà Chai) thường chuẩn bị trà đen pha với sữa, đường và các loại thảo quả khác nhau bao gồm: Thảo quả, thì là, quế và đinh hương.

8. Trà đạo (Chanoyu) - Nhật Bản

Ảnh: Travel.Earth

Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nghệ thuật trà đạo truyền thống Nhật Bản, hay “Chanoyu”, bao gồm 3 nghi thức chính: Chuẩn bị, trình bày và thưởng trà. Thực tế, những hạt trà “maccha” đầu tiên đã được các vị cao tăng Eisai đem về từ Trung Quốc vào thế kỷ XII. Tuy nhiên, tới thế kỷ XVI, trà đạo mới phổ biến rộng rãi nhờ triết lý “wabi” của nhà sư Sen Rikyu.

Theo truyền thống, nghi thức trà đạo Nhật Bản thường được tổ chức trong các quán trà nổi. Nội thất quán trang trí theo quy định và cử chỉ của người pha cũng phải thực hiện đúng cách. Bột maccha làm từ lá trà xanh xay nhuyễn để tạo ra hương vị nhẹ và thanh đạm.

9. Phòng trà (Chaikhaneh) - Iran

Ảnh: Travel.Earth

Trà là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ba Tư. Được đem đến nhờ Con đường tơ lụa, các phòng trà “chaikhaneh” đã mọc lên khắp các con phố Iran vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, mãi tới thế kỷ XX, người dân địa phương mới bắt đầu tự trồng và coi trà là yếu tố quan trọng trong đời sống xã hội.

Trà Iran có hương vị mạnh do chiết xuất trực tiếp từ bình ủ Samovar. Theo truyền thống, người Iran không thêm đường thẳng vào trà mà ngậm đường viên trước khi thưởng thức. Bên cạnh đó, thức uống này thường được dùng kèm một loại kẹo cứng màu vàng gọi là “nabat”.

10. Trà Yerba Mate – Argentina

Ảnh: Travel.Earth

Trà Yerba Mate là biểu tượng văn hóa của Argentina. Đây là loại trà thảo dược truyền thống chế biến từ lá cây Yerba Mate, có tác dụng giúp làm chậm quá trình oxy hóa và giảm cholesterol. Hơn nữa, người dân địa phương cũng tin trà Yerba Mate là “cuộc đời” và khuấy trà bằng ống hút kim loại “bombilla” là điều bất kính. Tuy nhiên, một số tài liệu lại cho rằng tục lệ này bắt nguồn từ việc bộ lọc của ống hút bombilla nguyên thủy rất dễ tắc.

11. Trà sữa chân châu – Đài Loan

Ảnh: Travel.Earth

Trà sữa chân châu là một phát minh hiện đại của người Đài Loan với nguyên liệu chính là trà đá (trà đen, xanh, hoa nhài hoặc ô-long) pha với sữa và xi-rô đường. Tuy nhiên, điểm lôi cuốn thực sự của thức uống này thực sự nằm ở các hạt chân châu dẻo dai làm từ bột sắn.

Trà sữa chân châu được tạo ra vào năm 1988, khi chủ quán trà Chun Shui Tang, ông Hsiu Hui thả vài hạt chân châu từ món tráng miệng vào ly trà đá. Sau đó, trà sữa chân châu nhanh chóng trở thành cơn sốt tại xứ Đài và lan rộng ra toàn thế giới.

Theo TravelEarth