Thực lực của Cienco4 trước thềm niêm yết

VietTimes – Cienco4 đã chuyển từ doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước sang mô hình cổ phần, định hướng trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành và chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy vậy, tình hình tài chính của tập đoàn này vẫn còn nhiều điều đáng nói.
Cơ cấu nguồn vốn của Cienco4 dù có nhiều cải thiện nhưng nợ vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Nguồn: Cienco4)
Cơ cấu nguồn vốn của Cienco4 dù có nhiều cải thiện nhưng nợ vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Nguồn: Cienco4)

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Cienco4 đã thống nhất thông qua nghị quyết đổi tên Công ty cổ phần Tổng công ty xây dựng công trình 4 thành Công ty cổ phần tập đoàn Cienco4 (Cienco4). Cùng với sự thay đổi tên công ty, Cienco4 cũng hướng tới hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 12/9/2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) Cienco4 tiếp tục thể hiện tham vọng phát triển khi thông qua nghị quyết về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) vào Quý 4/2018. Quá trình lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến được thực hiện trong tháng 10/2018.

Vậy thực lực của Cienco4 trước thềm niêm yết như thế nào?

6 tháng đầu năm 2018: Kinh doanh có lãi nhưng bị chiếm dụng vốn lớn

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất (BCTCHN) giữa niên độ (đã soát xét) năm 2018, doanh thu thuần của Cienco4 trong kỳ đạt 1.175 tỷ đồng, giảm nhẹ 140,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm 80,51% trên doanh thu nên Lợi nhuận gộp về hàng bán và cung cấp dịch vụ đạt 228,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay ghi nhận trong kỳ lên tới 130,5 tỷ đồng,các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 66,6 tỷ đồng. Điều này đã khiến kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 80,5 tỷ đồng.

Sau khi loại bỏ các chi phí khác, và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Cienco4 đạt 71,9 tỷ đồng, giảm 7,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Biên lợi nhuần thuần đạt hơn 6,1%.

Dù kết quả kinh doanh có lãi, nhưng báo cáo Lưu chuyển tiền tệ cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ ghi nhận âm 308 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 173,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân phần lớn là do doanh nghiệp này bị chiếm dụng vốn bởi sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn (tăng từ 2.038 tỷ đồng lên mức 2.604 tỷ đồng) trong kỳ.

Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đến cuối kỳ đạt 829 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu từ các khách hàng khác lên tới 557 tỷ đồng. Phần thuyết minh BCTCHN của Cienco4 không thể hiện chi tiết nên chưa rõ khách hàng khác là cá nhân hoặc pháp nhân nào.

Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng mạnh 117 tỷ đồng, lên mức 502 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2018. Trong đó, phần lớn là các khoản trả trước cho công ty TNHH Xuất nhập khẩu & Dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (Nhật Minh) đạt 120,2 tỷ đồng.

Đây là khoản tiền ứng trước của Cienco4 nhằm thực hiện thi công các dự án Nút giao Tân Vũ – Lạch Huyện, Mộc Bài – Tây Ninh, Sân đỗ máy bay Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Mai Dịch – Nam Thăng Long và Thái Nguyên – Chợ Mới.

Đáng chú ý, Nhật Minh đã từng là cổ đông lớn của Cienco4 với tỷ lệ vốn góp 14,13%. Tuy nhiên, trong kỳ kế toán, công ty này đã chuyển nhượng bằng hình thức “thỏa thuận trực tiếp” toàn bộ số cổ phần Công ty TNHH Đầu tư Thượng Hải (Thượng Hải) - công ty riêng đứng tên em trai hai lãnh đạo cao nhất của Cienco4 (Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn và Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Huỳnh).

Bên cạnh Nhật Minh, Cienco4 còn có 2 cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng Dũng Hưng (Dũng Hưng) và CTCP Tập đoàn VPA (VPA) lần lượt nắm giữ 21,4% và 20,75% vốn điều lệ.

Tính đến ngày 30/6/2018, các khoản phải thu khác ghi nhận giá trị cuối kỳ đạt 317,9 tỷ đồng. Chủ yếu là các khoản phải thu với CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) là 175 tỷ đồng, và các khoản phải thu về từ thoái vốn tại các công ty Cienco4 góp vốn đầu tư là 40,4 tỷ đồng.

Được biết, trong kỳ, Cienco4 đã tiến hành thoái một phần vốn tại một loạt các công ty như CTCP 414, CTCP Xây dựng và Đầu tư 415, CTCP 417, CTCP 412, CTCP 422 và CTCP 499.

Vốn vay gấp 4 lần Vốn chủ sở hữu

Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Cienco4 đạt 7.408,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ các khoản Nợ phải trả đạt 6.289 tỷ đồng và Vốn chủ sở hữu là 1.119 tỷ đồng.

Cụ thể, các khoản vay và nợ đạt 4.063 tỷ đồng (gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu), giảm nhẹ so với đầu năm, bao gồm: 1.582 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, 2.481 tỷ đồng vay và nợ thuế tài chính dài hạn.

Bên cạnh đó, khoản phải trả người bán, phải trả khác của Cienco4 cũng lên tới 1.423 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn sẽ được cải thiện phần nào khi Cienco4 thực hiện chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Đợt chào bán được dự kiến diễn ra vào giai đoạn từ tháng 9 – 10/2018, số cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Tuy có số dự nợ lớn, Cineco4 cũng có các khoản cho vay ghi nhận giá trị đến cuối kỳ là 1.146 tỷ đồng và các khoản Phải thu khách hàng, phải thu khác là 1.147,6 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản của Cienco 4 phần lớn là Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận giá trị đạt 2.604 tỷ đồng và Tài sản dài hạn, ghi nhận giá trị đạt 4.077 tỷ đồng. Khoản mục Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ với 55 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2018.

Ngoài ra, giá trị quyền sử dụng đất của Cienco 4 đến 30/6/2018 là 13,42 tỷ đồng, bao gồm các lô đất tại: Số 19 ngõ 1043 đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội; Số 29 Quang Trung, phường Quang Trung, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An; Số 62 – 68 đường 50, KP9, phường Tân Tạo, Tp. Hồ Chí Minh; và số 37 đường Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh./.