Thực hư thuốc nam chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình

VietTimes -- Với những lời quảng cáo có cánh, hứa hẹn về việc sẽ chữa khỏi bệnh tiền đình chỉ bằng một bài thuốc nam gia truyền trong vòng 1 tháng, các bài viết có nội dung giống hệt nhau được quảng cáo tràn lan trên facebook đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ thiệt hại hàng triệu đồng.

Địa chỉ ở Hà Giang, bưu điện ghi ở Hà Nội

Lọ thuốc và vỏ hộp mà ông T. nhận được, thuốc có giá tới 500 nghìn đồng/lọ.
Lọ thuốc và vỏ hộp mà ông T. nhận được,  thuốc có giá tới 500 nghìn đồng/lọ.

Mắc bệnh rối loạn tiền đình đã nhiều năm nay, ông Vũ T.T. (47 tuổi, Điện Biên) thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo, ảnh hưởng tới khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ông T. luôn tìm kiếm loại thuốc có thể giúp kiểm soát căn bệnh này.

Tình cờ đọc được bài quảng cáo trên mạng xã hội về một bài thuốc nam gia truyền có thể chữa khỏi bệnh tiền đình, ông liền đặt mua. Song, khi nhận được thuốc, ông T. cảm thấy nghi ngờ.

“Họ nói với tôi rằng cơ sở sản xuất thuốc ở xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, nhưng khi bưu điện gửi thuốc tới lại ghi địa chỉ gửi là Hà Đông, Hà Nội” – Ông T. chia sẻ với VietTimes.

Không chỉ đặt ra nghi vấn về địa chỉ gửi thuốc, ông T. còn nhận thấy thái độ bất thường của người bán hàng: chỉ làm việc qua điện thoại; khi được hỏi vì sao thuốc lại gửi từ Hà Nội tới thì người bán trả lời không rõ ràng rồi tắt điện thoại.

Ông T. cũng chia sẻ, vì thấy có nhiều trang facebook đăng và quảng cáo bài viết này nên ông mới tin tưởng mua thuốc. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy hàng loạt bất thường, ông đã quyết định không uống thuốc.

 “Tôi thấy nghi ngờ, không rõ loại thuốc này đã được cơ quan chức năng cấp phép chưa? Tôi đã mua 2 lọ thuốc với giá 500 nghìn đồng, nhưng bây giờ tôi không dám sử dụng” – Ông T. nói.

Dùng hết 2 liệu trình, khỏi hẳn bệnh tiền đình?

Những bài quảng cáo thổi phồng công dụng của bài thuốc nam này
Những bài quảng cáo thổi phồng công dụng của bài thuốc nam này

Ông T. cũng chia sẻ, tại trang facebook có tên “Hội những người bệnh nhân tiền đình chia sẻ”, người bán cho biết “bài thuốc đã điều trị thành công cho hàng nghìn người khỏi” và “đảm bảo không tốn kém, không tốn thời gian, chỉ dăm bữa nửa tháng đã khỏi tới 80 – 90%”. Chiêu quảng cáo này đánh vào tâm lý ham rẻ, mong muốn mau chóng điều trị dứt điểm bệnh của nhiều người nên các bài viết đều rất thu hút.

Trong vai một người mắc bệnh rối loạn tiền đình, phóng viên liên hệ tới số điện thoại ông T. cung cấp. Một người đàn ông tự xưng là dược sĩ tư vấn về bệnh, kết luận phóng viên mắc rối loạn tiền đình do thiếu máu lên não, đồng thời, khuyên phóng viên sử dụng khoảng 2 liệu trình thuốc để khỏi bệnh.

Theo lời người đàn ông này, mỗi liệu trình có giá khoảng hơn 1 triệu đồng, có thể chữa khỏi tới 70 – 80% bệnh, sử dụng 2 liệu trình với giá ưu đãi khoảng hơn 2 triệu đồng sẽ chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình hoàn toàn.

Khi được hỏi về thành phần của thuốc, người đàn ông cho biết: “Trong thuốc có cam thảo, ngưu hoàng và một số loại thuốc gia truyền không thể tiết lộ”.

Không chỉ cam kết về chất lượng thuốc, người đàn ông này còn cho biết không yêu cầu bệnh nhân chuyển trước tiền thuốc mà sẽ gửi thuốc cho bệnh nhân trước rồi mới thu tiền để thuyết phục người mua tin đây là thuốc có chất lượng, nhà thuốc có uy tín.

Cơ quan chức năng nói gì?

Để xác minh địa chỉ cơ sở sản xuất, phóng viên liên hệ tới bác sĩ Nguyễn Đình Dích – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang. Ông cho biết xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang là huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở Y tế tỉnh Hà Giang chưa ghi nhận cơ sở bào chế thuốc điều trị tiền đình nào có địa chỉ như trên, đồng thời, cho biết sẽ tìm hiểu sự việc.

Trong khi bài quảng cáo thuốc cho biết: “Sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận về chất lượng và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu”, thì PGS.TS. Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng thông tin chưa ghi nhận cơ sở nào bào chế thuốc nam điều trị bệnh tiền đình có địa chỉ như trên.

PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cũng khuyến cáo người dân: “Với những thuốc không có địa chỉ rõ ràng, người dân không nên mua. Thuốc bán trên mạng xã hội không có độ tin cậy cao, hầu hết không được cấp phép, vì vậy người dân không nên sử dụng”.