Khẳng định này được Thủ tướng nêu tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm về Chuyển đổi số Quốc gia và thực hiện Đề án 06 của chính phủ" diễn ra chiều 12/7.
"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan và được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, thời gian qua các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, như việc xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư đạt kết quả rất khả quan, kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Người đứng đầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đề nghị các báo cáo, thảo luận tiếp theo của đại diện các bộ, ngành, địa phương, cần đánh giá thực chất tình hình, phản ánh một cách khách quan, trung thực, để có thể nhận diện các tồn tại, hạn chế, các rào cản và điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chia sẻ các kinh nghiệm hay, bài học quý, từ đó có thể tìm ra những giải pháp để triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
"Công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và có kết quả tốt hơn năm trước, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu .
Nhiều kết quả tốt trong chuyển đổi số
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, hoàn thiện các thể chế số, cũng như hành lang pháp lý, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Tần số và vô tuyến điện (sửa đổi) và 7 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 công điện, về chuyển đổi số.
Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó, 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện có 7,7 triệu tài khoản - tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đã đồng bộ được 212 triệu hồ sơ - tăng hơn 1,76 lần; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích - tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng.
Quảng Ninh, Thừa thiên Huế tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật trong việc tạo dựng hạ tầng cho dịch vụ hành chính công, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh, hay điểm sáng đào tạo nhân lực số ở Đà Nẵng.
Theo ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức triển khai nhanh chóng
Đề án 06 về xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an thực hiện rốt ráo trong thời gian qua và đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.
Việc khai thác Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giảm bớt thời gian đi lại cũng như thời gian chờ đợi của người dân; tinh gọn cán bộ, công chức trực tiếp tiếp dân; giảm bớt tình trạng tham nhũng, "cò dịch vụ"...
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức cũng đang được Bộ Nội vụ triển khai nhanh chóng. Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Trong 6 tháng qua, đã kết nối được khoảng 95% cơ quan, đơn vị.
Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về Cơ sở Dữ liệu Quốc gia đến nay là 2.087.114 hồ sơ, trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ - khoảng 50,25%; địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ - tương đương 96,28%.