Đây là một trong những thông tin đáng lưu ý được nêu ra tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại tỉnh Bình Định, diễn ra hôm nay (20/8).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng tương đối tốt gồm đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Với 9 sân bay trong vùng, cho phép máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh an toàn, có Viện đào tạo Hàng không sắp tới được mở tại Quy Nhơn, thì vấn đề còn lại là đầu tư các nhà ga để đảm bảo đồng bộ, hiện đại.
Ông Thể cho biết, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư 45 nghìn tỷ đồng để nâng cấp các cảng hàng không.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, là người con miền Trung, luôn trăn trở về sự phát triển của vùng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, 20 năm qua, với nỗ lực của Trung ương, năng động của địa phương thì vùng bắt đầu "thay da, đổi thịt". Với tiềm năng, dư địa phát triển, vùng có khả năng tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới.
“Bây giờ hay không bao giờ để vùng này thoát nghèo. Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn sợ gãy nữa”, TS. Trần Du Lịch nói.
Ông cho rằng phải có thể chế, cơ chế vượt trội cho vùng: “Phải tính xem có bao nhiêu dự án của vùng cần mang ra Trung ương, mất bao nhiêu ngày để làm thủ tục. Giải quyết nhanh 1 ngày thì miền Trung sẽ thoát nghèo nhanh hơn 1 năm. Cần gỡ vướng thể chế để vùng đi nhanh hơn mà không sợ ngã”.
Thống nhất với ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều quan trọng cần nói đầu tiên là yếu tố con người có tính chất quyết định và nhắc tới câu chuyện vợ chồng GS. Trần Thanh Vân hay GS Nguyễn Mại, những người đã lớn tuổi nhưng rất tâm huyết đóng góp xây dựng Tổ quốc, miền Trung. Lớp trẻ cần học tập tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm đó, vượt lên khó khăn, đóng góp phát triển đất nước, bởi không có ý chí, quyết tâm thì không thành công.
Nêu một số nét chính về sự phát triển, "thay da, đổi thịt" của miền Trung, Thủ tướng đề cập đến các mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng.
Mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị “thoát vị đĩa đệm”. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.
Trước những nút thắt chưa được tháo gỡ, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.
"Miền Trung phải xốc tới. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hoặc không bao giờ", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cho rằng miền Trung phải vận dụng chiến lược phát triển kinh tế biển, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế chính, gồm: ngư nghiệp (phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản); du lịch, nhất là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch phía Tây miền Trung; cảng biển và dịch vụ logistic; phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; năng lượng tái tạo.
Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng và xây dựng thể chế phát triển vùng, gắn với quy hoạch phát triển vùng rõ hơn, trong đó gồm cả việc phải phân lại vùng kinh tế một cách hợp lý hơn, xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, thực sự là nơi “đất lành chim đậu”.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, vùng kinh tế miền Trung cần ưu tiên chiến lược phát triển. Bởi hiện nay mức tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Trong khi đó, ngành dịch vụ của vùng hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỉ trọng lên đến 41,59% kinh tế vùng, trong đó ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh miền Trung.