Thủ tướng: 'Bán công sản cho Vũ nhôm, Nhà nước được gì?'

VietTimes -- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi này, tại Hội nghị Tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách Nhà nước năm 2017 và Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Tài chính sáng 8/1.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ngành tài chính sáng 8/1. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ngành tài chính sáng 8/1. Ảnh: VGP

Cụ thể, người đứng đầu chính phủ đặt câu hỏi "ví dụ lớn nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở thành phố Đà Nẵng. Nhà nước được gì?".

Theo Thủ tướng, điều này đã thể hiện thực tế quản lý tài sản công còn có nhiều điều gây lo ngại thất thoát, lãng phí lớn. “Thậm chí còn để nhóm lợi ích đục khoét để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công" – Thủ tướng nói.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính khi hoàn thành nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2017, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần có nhiều hơn nữa các biện pháp khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công của quốc gia.

“Đây là vấn đề Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản và các địa phương phải xây dựng cơ chế chính sách, tính toán sát sao để sớm khắc phục” – Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, liên quan tới triển khai việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh việc bán vốn không chỉ là thu hồi vốn, tăng ngân sách quốc gia, mà còn để chống lại tham nhũng tiêu cực dưới sự giám sát của cổ đông.

Do đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn phải theo lộ trình chặt chẽ, đảm bảo minh bạch và các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán. "Phải làm tốt như bán vốn Vinamilk khỏi SCIC và bán vốn Sabeco vừa qua" - Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, ngành tài chính cần tham mưu được các phương án sử dụng vốn từ bán vốn, thoái vốn hiệu quả nhất. "Việc sử dụng vốn bao giờ cũng có ý kiến của tập thể công khai, thậm chí trình cả ý kiến Bộ Chính trị" - Thủ tướng nêu yêu cầu.

Ngành tài chính cũng cần quan hệ chặt chẽ với Quốc hội, cơ quan kiểm toán - Thủ tướng nhắc nhở. Vì việc giám sát về tài chính, ngân sách được coi là giám sát quan trọng nhất ở mọi quốc gia. Vì vậy, ngành tài chính phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành để làm tốt nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính cần làm tốt nhiệm vụ của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là nhiệm vụ hội nhập quốc tế về kinh tế tài chính.

Về cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành phải đánh giá tác động của hội nhập đối với kinh tế của đất nước, đối với tài chính ngân sách. Và căn cứ vào đó để có các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp cho kinh tế xã hội của đất nước.