Thủ tướng Anh gợi mở khả năng tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit

VietTimes -- Thủ tướng Anh Theresa May đã đưa ra đề xuất về một "thỏa thuận mới" giúp Anh thống nhất về vấn đề rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong đó mở ra cơ hội bỏ phiếu về khả năng tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý lần hai nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra đề xuất bất ngờ nhằm cứu vãn thỏa thuận Brexit (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra đề xuất bất ngờ nhằm cứu vãn thỏa thuận Brexit (Nguồn: Reuters)

Đã 3 năm trải qua kể từ khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu dân ý lịch sử lựa chọn rời khỏi EU, và đã gần 2 tháng kể từ khi thời hạn chót mà đáng lẽ Brexit được thực thi đã qua đi, Thủ tướng May đang đưa ra nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình trạng chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội liên quan tới thỏa thuận "Ly hôn".

Trong hôm 22/5, bà May đã đưa ra đề xuất mà bà gọi là "những sự thay đổi lớn", nhưng nhiều nhà lập pháp có quan điểm cứng rắn vẫn quyết tâm tẩy chay cuộc bỏ phiếu Dự luật Thỏa thuận Rời bỏ (Withdrawl Agreement Bill) tổ chức trong tháng tới. Đây là dự luật nhằm thực thi một số điều khoản trong tiến trình Brexit.

Trong bài phát biểu của mình, bà May cố gắng thuyết phục giới lập pháp ủng hộ thỏa thuận của bà bằng cách đưa ra đề xuất về khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về thỏa thuận Brexit cùng một số điều chỉnh cho phép Anh có quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với EU thời kỳ hậu Brexit.

"Tôi đã nhượng bộ, giờ tôi yêu cầu các bạn cũng nhượng bộ" - bà May nói - "Chúng ta đã được người dân trao cho một sứ mệnh rõ ràng mà chúng ta phải thực hiện, bởi vậy hãy giúp tôi tìm cách để thực hiện sứ mệnh đó, đưa đất nước và chính trị đi lên và cùng xây dựng một tương lai mà tất cả chúng ta đều muốn thấy".

Bằng việc gợi mở khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu lần hai về thỏa thuận Brexit cùng sự nhượng bộ trong việc hình thành một liên minh hải quan với EU trong tương lai, Thủ tướng Anh hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ giới lập pháp Công đảng đối lập - những người mà bà cần có lá phiếu để vượt qua sự phản kháng từ chính đảng Bảo thủ mà bà lãnh đạo.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lập tức bác bỏ lời kêu gọi của bà May, khẳng định rằng đảng của ông sẽ không tham gia bỏ phiếu Dự luật Thỏa thuận Rời bỏ, mô tả đề xuất mới của bà May là "xào lại quan điểm của Chính phủ" trong các cuộc đàm phán với phe đối lập đã bị đổ vỡ hồi tuần trước.

Thủ tướng Anh cũng gây ra sự phẫn nộ trong nhóm các nhà lập pháp ủng hộ Brexit - những người mô tả việc thành lập liên minh hải quan với EU chả khác gì việc Anh không rời khỏi khối này nữa. Một số chính trị gia có tư tưởng hoài nghi EU như cựu Bộ trưởng Brexit David Davis và Jacob Rees-Mogg cũng tuyên bố tẩy chay vòng bỏ phiếu tổ chức vào đầu tháng 6 tới đây.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab - 2 nhân vật được cho là có khả năng thay thế vị trí Thủ tướng của bà May trong tương lai - cũng tuyên bố phản đối thỏa thuận Brexit.

Động thái mới nhất của bà May được giới quan sát mô tả là đang có xu hướng nghiêng về phe các nhà lập pháp ủng hộ "ở lại" EU. Đây được xem là sự thay đổi bước ngoặt đối với một vị Thủ tướng từng tuyên bố mạnh mẽ rằng bà sẽ không bao giờ chấp nhận việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, hay việc ở cùng một liên minh hải quan với EU.

"Đó là mánh lới của một vị Thủ tướng đang đi chệch hướng, không chịu thỏa hiệp và trong suốt 3 năm qua đã cố tình gạt Quốc hội và đất nước ra ngoài cuộc" - nhà lập pháp Công đảng đối lập Seema Malhotra nói với Reuters.