Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Cần cung cấp nguồn lực để sản xuất và lan toả thông tin chính thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Chúng ta phải mở rộng không gian và tăng cường độ lan tỏa của thông tin chính thống, trong đó có thông tin báo chí lên trên không gian mạng, bằng cách cung cấp nguồn lực để có thể sản xuất và lan toả nội dung đó".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề cao sáng kiến của Hà Giang tổ chức diễn đàn để nhìn nhận, đánh giá về sự phát triển của công tác truyền thông, và đặc biệt là truyền thông số.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề cao sáng kiến của Hà Giang tổ chức diễn đàn để nhìn nhận, đánh giá về sự phát triển của công tác truyền thông, và đặc biệt là truyền thông số.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại Ngày hội Truyền thông tỉnh Hà Giang 2023 diễn ra chiều 25/10 tại TP. Hà Giang.

Nêu bật vai trò của không gian số trong sự phát triển của xã hội hiện đại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Truyền thông số mang tới cơ hội rất lớn nhưng cũng đi liền với thách thức không nhỏ trong việc phải tự làm mới mình để chủ động đi trước mở đường, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

“Chúng ta phải mở rộng không gian và tăng cường độ lan tỏa của thông tin chính thống, trong đó có thông tin báo chí lên trên không gian mạng, bằng cách cung cấp nguồn lực để có thể sản xuất và lan toả nội dung đó.

Không chỉ cần nội dung, chúng ta phải có nguồn lực, có cơ chế, phương thức để lan tỏa nội dung đó đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt được mục tiêu yêu cầu và những thời điểm mà chúng ta cần phải tập trung vào lực” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lưu ý.

Nói về hiệu quả truyền thông của Hà Giang, Thứ trưởng Lâm đề cao sáng kiến tổ chức Ngày hội Truyền thông của tỉnh. Cho rằng đây là cách làm mới, một sáng kiến hay trong công tác truyền thông hiện nay, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Hà Giang sẽ phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác quảng bá hình ảnh các di sản văn hóa, lễ hội của địa phương.

“Hà Giang đã có nỗ lực rất lớn và thời gian tới cần phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa trong truyền thông số về đề xuất chính sách mới, thể chế, giải quyết bài toán về thiếu nguồn lực, để làm bật lên những thế mạnh của địa phương” – ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng đề nghị Hà Giang sớm ban hành danh sách đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách ở tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, nhằm tạo sự kết nối và trở thành kênh cung cấp thông tin chính thống cho báo chí một cách bài bản, quy củ, để đạt mục tiêu về truyền thông lan tỏa hình ảnh địa phương.

Cũng đánh giá rất cao tỉnh Hà Giang đã đưa ra sáng kiến và tổ chức được Ngày hội Truyền thông, ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí - cho biết, đây là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức chương trình này. Ông Lợi cũng cho rằng Hà Giang là một trong những địa phương có làm tốt, hiệu quả về công tác truyền thông.

vt_toa dam.jpg
Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, ông Đỗ Thái Hòa - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang, ông Lê Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam VDCA (từ trái sang) trao đổi tại phiên toạ đàm Giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương trên nền tảng số.

“Theo đánh giá trên không gian mạng của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian vừa qua, số lượng tin bản mà các cơ quan báo chí đã thông tin về tỉnh Hà Giang trên báo điện tử vượt trội hơn rất nhiều so với các tỉnh khác” – Phó Cục trưởng Cục Báo chí nói.

Dẫn thống kê của Cục báo chí, ông Đặng Khắc Lợi đưa ra minh chứng rất rõ về sức hút của Hà Giang đối với các cơ quan truyền thông: Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có trên 28.000 tin, bài viết về Hà Giang, hơn 80% trong đó có nội dung tích cực.

Đặc biệt, ngày cao điểm có đến gần 500 tin, bài tuyên truyền về Hà Giang trên môi trường số… Trong đó nội dung được đặc biệt quan tâm là cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất, địa mạo của Hà Giang, những lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng cao nguyên đá,...

Truyền thông đã thành công cụ phục vụ cuộc sống của người dân

Cho rằng truyền thông nói chung và truyền thông số nói riêng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia, dân tộc, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - khẳng định, công tác truyền thông được tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có nhiều thay đổi tích cực, phát triển mạnh mẽ.

Cũng tại Ngày hội Truyền thông, 9 kênh thông tin và 10 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác truyền thông, quảng bá lan tỏa hình ảnh Hà Giang đã được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 11 kênh thông tin và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc ứng dụng công nghệ số, lan tỏa hình ảnh Hà Giang đã được nhận giấy khen của Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hà Giang.

Công tác truyền thông đã từng bước được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đến nguồn nhân lực, đặc biệt là tạo điều kiện để tiếp cận, thiết lập và khai thác, sử dụng các phương thức truyền thông hiện đại, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp nhanh với chuyển đổi số.

“Không chỉ trong hệ thống cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông mà hoạt động truyền thông còn chuyển động, lan tỏa phát triển đến mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, trong cộng đồng xã hội. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới đã tiếp cận nhanh và khai thác các kênh truyền thông, sử dụng như một công cụ phục vụ nhu cầu của cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội” – Phó Chủ tịch Trần Đức Quý nói.

Ông Đỗ Thái Hòa - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang - cho rằng, truyền thông số, truyền thông trên môi trường Internet, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin còn là khái niệm khá mới mẻ với Hà Giang. Nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Giang xác định phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặt trọng tâm là thông tin, tuyên truyền trên môi trường số. Đó chính là yếu tố căn cốt để phát huy hiệu quả rõ nét, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Hà Giang thời gian qua.

“Hà Giang là tỉnh đặc biệt khó khăn về địa lý, về điều kiện dân trí. Trước đây, việc đưa hình ảnh Hà Giang ra khỏi địa giới tỉnh, biên giới quốc gia rất khó khăn. Không riêng gì truyền thông mà cả các lĩnh vực khác, Hà Giang xác định cần sớm đưa CNTT và chuyển đổi số vào ứng dụng trong các cơ quan nhà nước, trong cộng đồng. Khi đưa truyền thông số vào thì sẽ giải quyết được những đặc thù của Hà Giang, phát huy hiệu quả rõ nét. Công tác truyền thông thuận lợi hơn rất nhiều” – người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang bày tỏ.

vt_youtuber.jpg
Các cá nhân truyền thông cộng đồng tác nghiệp ngay tại Ngày hội.

Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông Lê Văn Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông - gợi ý, Hà Giang cần xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh, nêu bật vị thế của một trong những điểm đến đẹp và độc đáo của Việt Nam và thế giới, với cảnh quan núi non hùng vĩ, văn hóa đa dạng và cộng đồng thân thiện.

Hà Giang có nhiều bản làng vùng cao với nền văn hóa độc đáo. Chính quyền tỉnh có thể hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cội nguồn tại các bản làng này, bao gồm tham quan nhà cổ, tham gia vào cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương, và mua các sản phẩm thủ công truyền thống.

Thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm về việc tối ưu, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, ông Lê Văn Nghiêm cho rằng, Hà Giang nên sử dụng các công cụ phân tích để đo lường hiệu quả của các hoạt động truyền thông. Từ đó, Hà Giang có dữ liệu về du khách, để hiểu hơn về nhu cầu, thị hiếu của họ, giúp hoạt động tiếp thị hiệu quả hơn.

Thực tế tại Hà Giang, bên cạnh hiệu quả truyền thông, quảng bá của các cơ quan báo chí, truyền thông nhà nước thì có sự vào cuộc sôi nổi và đóng góp rất tích cực, hiệu quả của các lực lượng truyền thông trong cộng đồng.

Đặc biệt, gần đây một số kênh truyền thông, tạp chí nổi tiếng và tổ chức uy tín trên thế giới đã xếp, bình chọn Hà Giang là điểm đến đáng chú ý: Đầu năm 2023, Tờ The New York Times (Mỹ) đã công bố Hà Giang (Việt Nam) lọt top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023; tờ báo chuyên du lịch của Canada (The Travel) bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam và mới nhất Hà Giang được tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) trao giải thưởng điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.

Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã đón 2.158.400 lượt du khách, trong đó có 218.080 lượt khách quốc tế, khách nội địa 1.940.320 lượt người (tăng 35 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.