|
"Màu hoa đỏ" là ca khúc được sinh ra từ sự hợp tác của 2 người bạn cố hữu nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ảnh: Internet. |
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ trưa nay (24/3), Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết đến bây giờ ông cũng chưa hiểu vì lý do gì mà bài hát "Màu hoa đỏ" bị cấm tại Tiền Giang.
Cũng trong sáng nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang yêu cầu báo cáo khẩn việc cấm ca khúc "Màu hoa đỏ".
Công văn cho hay theo thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông, ngày 7/2/2017 Sở VH-TT&DL Tiền Giang có Công văn số 120/SVHTTDL-TTg đề nghị phòng văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung, kèm theo danh mục 354 bài hát. Trong đó, có bài hát "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 phổ thơ Nguyễn Đức Mậu.
“Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Cục NTBD đề nghị Sở VH-TT&DL Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản có liên quan về Cục NTBD trước ngày 26/3 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng”, văn bản cho hay.
Bài hát "Màu hoa đỏ" được nhạc sĩ Thuận Yến phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu năm 1991. Năm 1994, ca khúc "Màu hoa đỏ" đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang cho biết nguyên nhân của việc cấm lưu hành và phổ biến “Mùa hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung (!?).
Tuy nhiên câu trả lời này được cho là không thỏa đáng và gây xôn xao dư luận. Theo lý giải của một số người, phần lớn những ca khúc được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke từ trước tới nay đều do chủ cơ sở mua lại từ các công ty sản xuất băng đĩa.
Khi còn sống, nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ ông sáng tác ca khúc này khi hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời bom đạn ngoài trận mạc, để trả món nợ tinh thần với những người đồng đội đã hy sinh và chính tay ông chôn cất nhưng sau này vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Sau khi hoàn thành ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến đã bàn với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lấy tên là “"Màu hoa đỏ"” vì những năm tháng chiến tranh, suốt dọc đường hành quân là màu rực đỏ của hoa chuối rừng, gợi không khí hào hùng chiến thắng.
Bài hát này đã từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như: Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương… Tuy nhiên, người thực sự làm rực lên được cái “"Màu hoa đỏ"” của bài hát được cho là ca sĩ Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến.
Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết "Màu hoa đỏ" là ca khúc gắn với nhiều thế hệ người lính, người dân Việt.
"Anh Thuận Yến từng nói với tôi anh đi qua nhiều cuộc kháng chiến từ chống Pháp, Mỹ đến chiến tranh biên giới phía Bắc mà chưa thể sáng tác được ca khúc nào hào hùng như "Màu hoa đỏ". Ngày trước, nhà tôi ở phố Lý Nam Đế, gần văn phòng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nên thỉnh thoảng ông xã qua lại với bạn thơ Nguyễn Đức Mậu. Chỉ đến lúc bắt gặp bài thơ Thời hoa đỏ, anh mới phát ra được những giai điệu như khán giả nghe bây giờ", bà tâm sự.
Theo bà Thanh Hương, cơ quan quản lý tỉnh Tiền Giang cần xem xét lại quyết định cấm lưu hành ca khúc. Nếu hình ảnh minh họa cho bài hát trong các quán karaoke không phù hợp thì nên yêu cầu chỉnh sửa thay vì cấm lưu hành luôn tác phẩm.
Tổng hợp