Thứ trưởng Bộ KHCN nói về 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2021-2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại Việt Nam, vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng.
KHCN&ĐMST đã mang lại nhiều đóng góp cho kinh tế xã hội.
KHCN&ĐMST đã mang lại nhiều đóng góp cho kinh tế xã hội.

Nội dung được nêu trong chuyên đề "Phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo" của TS. Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN). Chuyên đề được trình bày tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho đội ngũ lãnh đạo Liên hiệp, các hội văn học, nghệ thuật, hội khoa học - kỹ thuật và đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại. Đây được coi là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.

KHCN & ĐMST được đặt ở vị trí thứ 2 trong 10 nhóm phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KHCN đặt mục tiêu “Phát triển mạnh mẽ KHCN & ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Theo đó, Bộ đã đưa ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai là hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các Viện nghiên cứu và Đại học là các chủ thể nghiên cứu.

Thứ ba là tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư là sửa đổi, hoàn thiện chính sách kinh tế, quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ năm là chuyển đổi số và hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.

Thành tựu vượt mục tiêu so với giai đoạn 2011-2015

Thống kê trong giai đoạn 2016-2020, KHCN&ĐMST đã đóng góp nhiều thành tựu phát triển chung của đất nước, được thể hiện qua nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn như Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.

Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Riêng trong năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam tăng 45% so với năm 2019. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Ứng dụng KHCN chế tạo robot khử khuẩn phòng dịch tại Bắc Giang.

Ứng dụng KHCN chế tạo robot khử khuẩn phòng dịch tại Bắc Giang.

Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020 (vượt mục tiêu 35%).

KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, chiếm trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Hoạt động KH&CN liên tục đổi mới, đẩy mạnh, tham gia trong tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng.

Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỉ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017.

Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN tăng mạnh. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nghiên cứu KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 như test kit, vaccine, robot tự hành, công nghệ truy vết...

Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực KH&CN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, đạt 7,6 người/vạn dân. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Tập trung khắc phục hạn chế

Mặc dù có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng thực trạng hoạt động KHCN & ĐMST còn tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể, KHCN chưa thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội. Trình độ KHCN quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển, ứng dụng kết quả KHCN vào sản xuất.

Bên cạnh đó, đầu tư cho KHCN còn hạn chế, tỷ lệ chi cho KHCN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KHCN còn thiếu và chưa đồng bộ ở nhiều địa phương. Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm KHCN trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường.

Hệ thống ĐMST quốc gia ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, các thành tố và các mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống ĐMST quốc gia đang từng bước hoàn thiện và còn mờ nhạt, chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021- 2030 đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nội dung về KHCN & ĐMST được thể hiện đậm nét, đồng bộ, xuyên suốt. Chủ đề Chiến lược là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở KHCN & ĐMST và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Trong đó, KHCN & ĐMST được thể hiện qua những quan điểm gồm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN & ĐMST và chuyển đổi số; chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, xây dựng nền kinh tế tự chủ dựa trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.