Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải việc chọn phương án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 350 km/h

Theo Bộ GTVT, tốc độ 350km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao.

Chiều 1/10, Bộ GTVT cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết căn cứ kết luận 49 của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Bộ đã tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển gồm: Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. Trong đó, có 3 nước tự phát triển công nghệ là: Đức, Pháp, Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cung cấp thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

Về tốc độ, theo Thứ trưởng Huy, tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên vào khai thác 1964 tại Nhật Bản với tốc độ 200 - 250 km/h. Tốc độ 250 km/h hình thành phổ biến cách đây khoảng 25 năm. Với sự phát triển của công nghệ, tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Ông Huy cho rằng theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350 km/h trở lên vì tính hiệu quả.

Về mức độ hấp dẫn, kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km thì tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn 250 km/h. Dự báo tới 2050, tốc độ 250 km/h, có khối lượng 87 triệu hành khách. Còn tốc độ 350 km/h, có khối lượng 119 triệu hành khách.

Theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP.HCM, tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h. Chặng Hà Nội - Nha Trang, cao hơn 26,5%. Chặng Hà Nội - Đà Nẵng, cao hơn 23,8%.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km, tốc độ 350 km/h hấp dẫn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với các dải tốc độ thấp hơn.

Tốc độ 350 km/h hấp dẫn và có khả năng thu hút lượng hành khách. (Ảnh minh họa)

"Chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9% nhưng đảm bảo tầm nhìn dài hạn. Nhưng nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả", Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.

Về vận tải hàng hóa, Thứ trưởng Huy cho biết mỗi loại hình vận tải có ưu thế nhất định. Vận tải hàng hoá khối lượng lớn ưu thế thuộc về hàng hải và đường thuỷ.

Theo tính toán, hiện nay, giá vận tải bình quân bằng đường thuỷ, hàng hải khoảng 450 đồng/tấn.km. Tiếp đến là đường sắt với chi phí trung bình, khoảng 680 đồng/tấn.km. Đường bộ và hàng không cao hơn.

Chia sẻ về nguồn lực, theo ông Huy, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035. Cụ thể, sẽ bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay đường sắt tốc độ cao là công trình thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng, là công trình động lực cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các cơ quan để nhận diện các vấn đề rõ, đảm bảo tính khả thi.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.

Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 67,34 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.