Thử nghiệm thiết bị "made in Vietnam" phát hiện vật thể lạ trên đường băng

VietTimes -- Các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất hệ thống thiết bị phát hiện vật lạ trên đường băng với giá thành rẻ hơn các nhà sản xuất nước ngoài. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo tạo điều kiện hết sức để các nhà khoa học thử nghiệm dự án.
Dự án thiết bị phát hiện vật thể lạ trên đường băng trước đây đã được đề xuất nhưng không thành.
Dự án thiết bị phát hiện vật thể lạ trên đường băng trước đây đã được đề xuất nhưng không thành.

Thông tin trên đã được ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết tại buổi họp báo chiều ngày 5/4.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trên thế giới không nhiều nhà sản xuất được hệ thống thiết bị phát hiện vật thể lạ trên đường băng. Hiện Cục đã lấy 3 báo giá và trình Bộ GTVT xem xét chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, giá này chưa được kiểm chứng, báo giá phải thẩm định rõ ràng theo pháp luật đầu tư. Những báo giá trên không phải là giá quyết định lựa chọn mà trên cơ sở đó phải tổ chức đấu thầu quốc tế.

Hiện nay mới chỉ có các nhà sản xuất nước ngoài mới có hệ thống thiết bị trên còn các hãng trong nước chưa có. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ. Bộ GTVT đã chỉ đạo tạo điều kiện hết sức để các nhà khoa học nghiên cứu thử nghiệm thực hiện dự án.

Sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam xong Cục Hàng không Việt Nam sẽ bố trí để vận hành thử tại đường băng, sau đó xét các tiêu chuẩn để cấp giấy phép lúc đó mới đủ điều kiện để đấu thầu. “Nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn báo giá quốc tế”, ông Thanh khẳng định.

Về phương án đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ nghiên cứu triển khai dự án này trên tinh thần xã hội hóa. Nếu chưa có các nhà sản xuất trong nước tham gia thì có thể tiến hành đấu thầu quốc tế, nếu có các nhà sản xuất trong nước thì cho tham gia đấu thầu bình đẳng. “Tôi tin rằng với giá trong nước thì cơ hội thắng thầu là rất lớn”, ông Thanh nói.

Theo thống kê của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, từ năm 2014 đến 2016, tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có 156 vụ dị vật, chim va vào máy bay, riêng năm 2016 xảy ra 20 vụ vật thể lạ làm hỏng lốp, chim va vào máy bay dẫn tới uy hiếp an toàn hàng không.

Trước đó, vào năm 2016, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) trị giá tới 1.162 tỉ đồng nhằm phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tự động phát hiện xua đuổi chim gây nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến máy bay.

Tuy nhiên, thời điểm đó,  Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra dự án này còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có việc thu phí chuyến bay để đầu tư dự án làm tăng chi phí cho hãng hàng không.