Thử nghiệm có kiểm soát tài sản số, tài sản mã hóa

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các loại tài sản số, tài sản mã hóa để phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Tài sản số có thể được luật hoá trong Luật Công nghiệp công nghệ số.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số.

Đặc biệt, tài sản số, tài sản mã hóa được đưa vào một trong số các sản phẩm, dịch vụ được thử nghiệm.

Theo đại diện Cục, hiện nay Việt Nam đang bỏ trống khung pháp lý về tài sản số, tiền số dù giao dịch thực tế rất lớn. Thống kê các sàn giao dịch tài sản số cho thấy, nước ta đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người. Hàng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được đổ vào nước ta.

Tài sản số nói chung hay tiền số đã phát triển, liên quan đến nhiều người, là xu hướng của thế giới. Vì vậy, Việt Nam phải có khung pháp lý để điều chỉnh.

“Nguyên tắc quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững”, ông Lịch thông tin.

Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật. Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Dự thảo Luật dự kiến quy định cơ chế thử nghiệm theo hướng thúc đẩy phát triển và bảo đảm cơ chế thử nghiệm có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực.

Đồng thời, dự thảo Luật có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cho cơ quan, người có thẩm quyền cấp phép và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm trong trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện không vụ lợi và tuân thủ đúng, đủ quy định của pháp luật; đối với vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự.