|
48% người dùng Việt chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến trong năm 2021 |
Đại dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua đã góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt.
Những hạn chế do giãn cách xã hội đã khiến người tiêu dùng tìm đến các hình thức mua sắm trực tuyến. Số liệu mà Kantar Worldpanel ghi nhận được ở những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu năm 2021 cho thấy 48% người mua đã chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến (online).
Thực phẩm tươi sống là mặt hàng ghi nhận lượng mua online lớn kể từ khi đại dịch bắt đầu, và có tốc độ tăng trưởng khá đều đặn. Để đáp ứng nhu cầu này, một số nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đã đưa ra một số chương trình "đi chợ" trên các app, chẳng hạn như Grab Đi chợ, Tiki Ngon, Nowfresh.
Sữa, bia, các thực phẩm đóng hộp và sản phẩm chăm sóc cá nhân là các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất. Cũng do Covid-19 mà người tiêu dùng Việt còn đặt mua trực tuyến cả các thiết bị điện tử trong nhà - vốn trước đây được mua trực tiếp tại các trung tâm điện máy.
Nếu như trước đại dịch, vào năm 2016, mức chi tiêu mua sắm online trung bình của người Việt là 170 USD/người, năm 2017 là 186 USD/người, thì dự báo năm 2022 con số này là 270 USD/người. Mức tăng này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, cũng như sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh đại dịch, một số yếu tố khác cũng đã góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt - từ trực tiếp sang trực tuyến - là khuyến mại lớn, giao hàng miễn phí, độ tin cậy của nền tảng TMĐT, sự đa dạng của hàng hóa được cung cấp trực tuyến, danh tiếng thương hiệu...
Ngược lại, những yếu tố cản trở người tiêu dùng mua sắm online là gian lận, lừa đảo trực tuyến, không có dịch vụ dùng thử, bảo mật thông tin khách hàng... Để hạn chế tình trạng này, hầu hết các nền tảng thương mại điện tử đều cho phép người dùng đánh giá shop và mặt hàng đã mua, cũng như có chính sách hoàn trả hàng lỗi, hàng không đúng như quảng cáo.
Đẩy mạnh thanh toán kỹ thuật số
Đây cũng là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hướng người dùng đến mua sắm trực tuyến. Trước đại dịch, Việt Nam luôn nằm trong top các nước tiêu dùng phụ thuộc vào tiền mặt, theo thống kê của Merchant Machine.
Tháng 10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể của đề án là đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm...
Có thể thấy thị trường thanh toán kỹ thuật số đang trở nên sôi động nhờ vào chính sách thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt của chính phủ, ngoài ra còn nhờ sự hiểu biết công nghệ của lượng lớn người dân cũng như những chiêu thức thu hút khách hàng từ các nền tảng thanh toán kỹ thuật số.
|
Hiện ở Việt Nam đang tồn tại 2 hình thức thanh toán kỹ thuật số phổ biến là Cổng thanh toán trực tuyến (VNPay, Ngân lượng, Payoo, Smartlink, OnePay...) và Ví điện tử (Momo, Zalo Pay, Viettel Pay, Moca, ShopeePay...). Đây đều là các nền tảng trung gian thanh toán, cho phép các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên các website, các trang thương mại điện tử mà không cần dùng tiền mặt.
Trong những năm qua, các nền tảng trung gian thanh toán này có sự cạnh tranh gay gắt nhằm chiếm được thị phần người dùng.
MoMo, VNPay, ZaloPay, Viettel Pay, Shopeepay và Moca là 6 ví điện tử phổ biến nhất hiện nay, không chỉ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Momo dẫn đầu thị phần với 25 triệu khách hàng. Giá trị thị trường của ví điện tử này đạt 2,27 tỉ USD vào năm 2021. Đây là một trong những công ty kỳ lân của Việt Nam bên cạnh VNG, VNLife và Sky Mavis.
Ví điện tử đã trở thành phương tiện nổi bật trong ngành TMĐT khi mang lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua. Đối với người bán, giao dịch qua ví điện tử giúp họ xác định người mua là "người thật", có tài khoản thanh toán thật, hạn chế các mánh khóe lừa đảo trong quá trình thanh toán. Ngoài ra, còn hạn chế được các trường hợp người mua thanh toán chậm trễ hoặc hủy đơn, do ví trung gian đã giữ tiền của người mua trước khi họ nhận được hàng.
Đối với người mua, ví điện tử cũng giúp họ thực hiện giao dịch nhanh chóng chỉ bằng vài thao tác chạm trên màn hình điện thoại thông minh. Trong trường hợp hàng hóa nhận được không đúng như quảng cáo, người mua cũng có thể yêu cầu ví trung gian không chuyển tiền cho người bán, thực hiện trả hàng và hoàn tiền.
Theo thống kê của Kantar Worldpanel và Acclime Việt Nam, thế hệ Millennials và Gen Z là nhóm dẫn đầu xu hướng tiêu dùng phi tiền mặt. Sự gia tăng của thanh toán kỹ thuật số còn được góp phần bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế Internet và số lượng người dân thuộc tầng lớp trung lưu. Sự phổ biến của 5G và phổ cập của điện thoại thông minh tới các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng là các yếu tố làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.