Thời điểm nào doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình để kiếm tiền online bền vững?

VietTimes – CEO Sconnect Tạ Mạnh Hoàng đã chia sẻ kinh nghiệm của một doanh nghiệp có 8 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sconnect Tạ Mạnh Hoàng trao đổi về kinh nghiệm MMO.

Chia sẻ tại buổi hội thảo “Kinh tế internet: Xây dựng và Phát triển doanh nghiệp MMO kinh doanh bền vững” vừa diễn ra ngày 21/12, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sconnect Tạ Mạnh Hoàng đã chia sẻ, đưa ra những phân tích về mô hình kinh doanh MMO (Make Money Online - Kiếm tiền trên nền tảng trực tuyến) tại Việt Nam hiện nay.

Theo ông Hoàng, MMO là lĩnh vực rất tiềm năng, không đòi hỏi nhiều vốn khi khởi sự và thực tế, rất nhiều nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam đã tạo doanh thu lớn thông qua hình thức này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp MMO Việt Nam phát triển nhiều nhưng thường chỉ ở quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Sản xuất và kinh doanh tự phát, phụ thuộc theo xu hướng thị trường và đối thủ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp MMO Việt Nam thường có "tuổi thọ" ngắn, có đến 95% DN đóng cửa sau 3 năm hoạt động - vì nhiều lý do. Nhìn chung, mô hình kinh doanh này ở Việt Nam theo hướng kiếm tiền nhanh, nhưng luôn phải đối mặt với các rủi ro về kinh doanh, tổ chức, pháp lý.

Từ những va vấp, đúc rút sau 8 năm xây dựng và phát triển Sconnect, CEO Tạ Mạnh Hoàng phân tích, việc doanh nghiệp MMO tồn tại bền vững được hay không tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh. Chỉ khi lựa chọn mô hình kinh doanh đúng, thêm sự nỗ lực thì mới có thể đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hơn 200 khách mời, chủ yếu là đại diện DN nội dung số, tham gia trao đổi kinh nghiệm MMO.

Mô hình kinh doanh MMO "bám trend"

Ông Hoàng chỉ ra 2 mô hình kinh doanh phổ biến của các doanh nghiệp MMO Việt Nam. Mô hình thứ nhất: Gắn với xu hướng, có 5 đặc trưng cơ bản:

Đặc trưng đầu tiên, mô hình này xuất phát từ xu hướng: Lấy việc phân tích, nhận diện, xác định và bám theo xu hướng hiện hành làm điểm xuất phát. Xu hướng thị trường cũng là sở cứ khi doanh nghiệp hoạch định kế hoạch phát triển.

Thứ hai, khai thác thông tin từ đối thủ: Xác định các sản phẩm của đối thủ phù hợp để phân tích các làm ra sản phẩm và sao chép sản phẩm của đối thủ để thúc đẩy nhanh cho hoạt động phát triển.

Thứ ba, thúc đẩy nhanh đội ngũ - Doanh nghiệp tuyển dụng nhanh, thúc đẩy nhanh hoạt động sản xuất, đội ngũ không được đào tạo bài bản.

Thứ tư, kiếm tiền nhanh - Tìm mọi giải pháp thúc đẩy nhanh hoạt động kiếm tiền, thậm chí có thể có những giải pháp chạm vào những chính sách chưa được thông qua. Cách làm này chưa tập trung vào giá trị khách hàng nhận được.

Cách làm này giúp doanh nghiệp có thể kiếm tiền khá nhanh, nhưng sẽ dẫn đến đặc trưng thứ 5 - Xử lý khủng hoảng: Khủng hoảng hiệu quả kinh doanh do nội dung đi xuống. Khủng hoảng về nhân sự do thiếu định hướng và sự đào tạo.

"Đi theo mô hình này, doanh nghiệp rất nhanh chóng gặp phải khủng hoảng về hiệu quả kinh doanh. Người đứng đầu phải chịu áp lực vô cùng lớn, liên tục đổi mới sản phẩm và liên tục xử lý khủng hoảng, đối mặt với rủi ro về kinh doanh và nhân sự, về chính sách và pháp lý nhưng doanh nghiệp vẫn không có khả năng tồn tại lâu dài" - ông Hoàng nói.

CEO Sconnect phân tích thêm rằng xu hướng chỉ tồn tại trong một giai đoạn, khi xu hướng giảm đi thì hiệu quả kinh doanh cũng đi xuống. Doanh nghiệp vấp phải khó khăn nhân sự vì chỉ kiếm tiền chứ không hiểu giá trị khách hàng. Cách làm "bám trend" có thể giúp kiếm được tiền nhưng không có định hướng tương lai. Vì thế, các nhân sự có thể có xu hướng tách rời tổ chức để làm riêng, càng khiến doanh nghiệp rơi vào xoáy sâu của khủng hoảng.

Buổi toạ đàm thu hút sự quan tâm của đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam.

Mô hình MMO dựa trên định vị sản phẩm

Khác với mô hình "bám trend" ở trên, mô hình thứ hai với đặc trưng nổi bật là việc định vị sản phẩm, sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững cùng với 5 bước đi như sau:

Thứ nhất, định vị sản phẩm. Ngay từ bước đầu tiên, doanh nghiệp cần phân tích bối cảnh bao gồm ngành, sản phẩm, khách hàng, đối thủ, năng lực cốt lõi của tổ chức và xác định các giá trị cốt lõi, nổi bật và thương hiệu của sản phẩm. Khác với mô hình thứ nhất, cần định vị trước để hiểu được sản phẩm làm gì.

Thứ hai, phân tích và vận dụng xu hướng. Trong đó, doanh nghiệp MMO cần phân tích và nhận diện xu hướng, đối thủ hiện hành để vận dụng phù hợp với phần định vị.

Thứ ba, phân tích và vận dụng đối thủ - là việc doanh nghiệp xác định các sản phẩm của đối thủ phát triển mạnh và phân tích các sản phẩm hiện tại của đơn vị để vận dụng vào định vị.

Thứ tư, phát triển đội ngũ - xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ về mặt chuyên môn. Trên cơ sở áp dụng kết quả định vị, doanh nghiệp cải tiến liên tục sản phẩm, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh năng suất sản xuất, phát triển năng lực nhân sự.

Và cuối cùng, thúc đẩy kinh doanh: Thiết kế các giải pháp kinh doanh tối đa hoá giá trị và tối ưu hoá các nguồn lực. Phân tích bối cảnh theo định kỳ hàng quý và xem xét tái định vị - nếu cần.

Theo đại diện Sconnect, mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp MMO có nhiều lợi thế như có thể triển khai hoạt động kinh doanh phát triển bền vững; Tập trung vào khách hàng dựa trên phát triển nguồn lực nhân sự. Cùng với đó là phát triển thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên mô hình này cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có năng lực hoạch định ban đầu tốt, đầu tư nhiều nguồn lực và cần có thời gian để gia nhập thị trường.

Làm sao để doanh nghiệp MMO bước vào thị trường và tồn tại được?

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, doanh nghiệp MMO có thể vận dụng linh hoạt cả 2 mô hình trên vào quá trình phát triển sản phẩm và vận hành kinh doanh. Cụ thể, khi mới bắt đầu, doanh nghiệp nên sử dụng mô hình thứ nhất - xuất phát và phát triển theo xu hướng và dựa theo đối thủ, để bước đầu kiếm tiền nhanh. Tuy nhiên đến giai đoạn phát triển nhất định thì cần điều chỉnh hoạt động sang mô hình thứ hai - lấy hoạt động định vị sản phẩm làm gốc để phát triển.

Trả lời câu hỏi làm sao chuyển được từ mô hình "bám trend" sang mô hình định vị sản phẩm, CEO Sconnect cho rằng khi bắt đầu cân bằng chi phí vận hành và doanh thu thì cũng là lúc doanh nghiệp là phải nghiên cứu chuyển đổi mô hình kinh doanh, để định vị rõ ràng sản phẩm, nhằm mục đích phát triển bền vững.

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỉ USD trong năm 2021 lên 23 tỉ USD nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái (theo báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ bảy). Sự phát triển tăng tốc của nền kinh tế Internet sẽ tạo thời cơ và cơ hội rất lớn cho các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam có thể phát triển sản phẩm ra toàn cầu.