Thời CMCN 4.0: Thi vào các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng là lựa chọn lạc hướng?

VietTimes – Trong thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước đã có chính sách ưu tiên cho STEM, còn tại Việt Nam, những người giỏi nhất thường lựa chọn học các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng,… dẫn tới thất nghiệp!
Ảnh minh họa: Diễn đàn SV ĐH Ngoại thương
Ảnh minh họa: Diễn đàn SV ĐH Ngoại thương

TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC - đã đưa ra nhận định trên tại hội thảo "Doanh nghiệp, doanh nhân với Cách mạng công nghiệp 4.0" (CMCN 4.0), do Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC tổ chức hôm nay (25/12).

TS. Trần Duy Khanh đánh giá, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không chỉ chịu ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 nói riêng và tiến bộ công nghệ nói chung, mà còn có tác động ngược lại. Trong bối cảnh của CMCN 4.0, hệ thống GD&ĐT của Việt Nam còn có nhiều bất cập so với yêu cầu.

Lý giải cho nhận định trên, ông Khanh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do sự lựa chọn “lạc hướng” khi vào đại học là một trong những nguyên nhân đẫn dến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp có xu hướng tăng lên.

Trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất như Mỹ và Nhật, đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán (STEM).

TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC.
TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC.

“Kết quả những sinh viên mới, đặc biệt sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam không có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những người giỏi nhất thường lựa chọn học các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng,… dẫn tới thất nghiệp”, TS. Khanh cho biết.

Thứ hai, sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, cũng như việc hỗ trợ sinh viên thực tập để có kiến thức thực tế, qua đó dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp.

Kết quả là kể cả trong các ngành tăng trưởng nhanh, sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kĩ năng mà doanh nghiệp cần.

Thứ ba, trong thế giới ngày nay, công nghệ thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân nên các kĩ năng dặc thù ngành hay công nghệ cụ thể bị khấu háo rất nhanh.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC, điều này có 2 hàm ý: Cần chú trọng đào tạo các kĩ năng nhận thức cấp nhóm, kĩ năng thích nghi nhanh; và cần tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người.

Tuy nhiên, đây là điểm yếu của hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay.

Cũng bàn về tác động đến xã hội của CMCN 4.0, nhưng ở một góc nhìn khác, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - đánh giá, tác động thông qua kênh việc làm trong trung hạn là điều đáng quan tâm hiện nay.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

“Trong những thập niên gần đây, bất bình đẳng về thu nhập đã có xu hướng tăng nhanh, nổi bật là 1% số người giàu nắm tàm sản tương đương 99% số người còn lại. Nhưng cuộc CMCN 4.0 lại càng làm khuếch đại thêm xu hướng này do lợi suất của ý tưởng tăng mạnh.

Nhờ có ý tưởng liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo nên đã xuất hiện nhiều tỷ phú đô la chỉ ở độ tuổi trên 20 và dưới 30 – điều này rất khác biệt so với giai đoạn trước đây”, ông bày tỏ.

Lợi suất của kỹ năng, đặc biệt là các kĩ năng thúc đẩy hay bổ trợ cho quá trình số hóa, tự động hóa bằng máy hay bằng phần mềm – tức là trí tuệ nhân tạo có khả năng tự học, cũng tăng mạnh. Trong khi đó, các kĩ năng truyền thống đã từng có vai trò quan trọng trong giai đoạn trước, song đang bị người máy thay thế nên có lợi suất giảm mạnh.

Nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động giản đơn, ít kĩ năng do rất dễ bị thay thế bởi người máy và do vậy, có giá đang giảm nhanh.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu, làm tăng sự chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa một bên là lao động ít kĩ năng hay có kĩ năng dễ bị người máy thay thế chiếm tuyệt đại bộ phận người lao động và bên kia là những người có ý tưởng hay có kĩ năng bổ trợ cho quá trình tự động hóa và số hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.

TS. Phạm Văn Tân -  Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam

TS. Phạm Văn Tân -  Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam - đánh giá cuộc CMCN 4.0 đã thực sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới của nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Những yếu tố cốt lõi trong CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, kết nối thông tin trên nền tảng internet với các cơ sở dữ liệu lớn. Đây là cuộc cách mạng về sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,...