Thoái vốn Nhà nước trong 8 tháng thu về hơn 15.800 tỷ đồng

Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn được 3.713 tỷ đồng, thu về 15.803 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 8 tháng).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong số vốn thu về đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hang tài chính, bất động sản, và quỹ đầu tư) thu về 105 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.456 tỷ đồng.

Thoái vốn ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 21 doanh nghiệp, với giá trị là 1.396 tỷ đồng, thu về 12.240 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk, với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, trong tháng Tám này, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Tổng công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên In Bắc Cạn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định.


Bốn doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án cơ cấu giai đoạn 2011-2016 là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất thương mại dịch vụ xây dựng Minh Thành; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đồng Tân; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuân Khánh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 29.

Lũy kế 8 tháng, đã có 33 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 10/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp đó là: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp-Becamex, Tổng công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp (IDICO), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Sóc Trăng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên công trình đô thị Sóc Trăng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kinh doanh nước sạch Hưng Yên; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên In Bắc Cạn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định.

23 đơn vị tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016.

Tổng giá trị thực tế của 33 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 33 đơn vị là 25.509 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.467 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.814 tỷ đồng, bán cho người lao động 199 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.008 tỷ đồng.

Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phê duyệt phương án cổ phần hóa của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp-Becamex, Tổng công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ…

Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra là do lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đã hồi phục xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, khi đánh giá về việc hoàn thành mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng hoàn toàn có thể đạt được.

Thông thường khi đặt mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn như hiện nay, giai đoạn đầu là chuẩn bị sau đó những tháng cuối năm sẽ được đẩy nhanh với với tốc độ cao.

"Thêm vào đó phụ thuộc vào quyết tâm cơ quan thực hiện cổ phần hóa, các bộ ngành, cũng như cơ quan chủ quản quản lý doanh nghiệp Nhà nước và cả quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Cái này quyết định tốc độ và thành công của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm nay cũng như các năm về sau,” ông Ánh nói.
Để đảm bảo nguồn thu đáp ứng cho ngân sách Nhà nước từ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao nhằm cân đối cho nhu cầu vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm nay là 60.000 tỷ đồng Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12 tới.

Trường hợp đến ngày 30/9 tới, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.

Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn Nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thống nhất đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước./.
Theo Vietnam ++
Link: http://www.vietnamplus.vn/thoai-von-nha-nuoc-trong-8-thang-thu-ve-hon-15800-ty-dong/463768.vnp