Bình luận viên chính trị của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Aydınlık Mehmet Ali Guller trả lời phỏng vấn Sputnik cho rằng, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang theo đuổi mấy mục tiêu tại Syria.
Ngoài các mục tiêu được đặt ra khi mới bắt đầu chiến dịch "Lá chắn Euphrates", ví dụ như bảo vệ đường biên giới khỏi mối đe dọa từ phía Daesh và ngăn chặn việc thành lập vùng tự trị người Kurd ở miền bắc Syria, hành động của Ankara trên lãnh thổ Syria còn có một mục tiêu khác. Tờ báo thân chính phủ Yeni Şafak đã nói rõ về mục tiêu sáp nhập tỉnh Aleppo để Aleppo trở thành tỉnh thứ 82 trong thành phần Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể giả định rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc Mỹ sẽ thực hiện chiến dịch giải phóng Raqqa, còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào Aleppo. Bằng cách này có thể đạt được mục tiêu phân chia Syria thành các vùng ảnh hưởng. Có tính đến thỏa thuận này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đổi hướng tiến công của lực lượng quân đội chính phủ đang trên đường tới Raqqa sang hướng Al-Bab. Bởi vì Al-Bab là chìa khóa để mở cổng của Aleppo.
Như vậy, cuộc hành quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng El-Bab đã gây ra những thay đổi chiến thuật trong chiến dịch của quân đội Syria: lực lượng chính phủ đã đổi hướng từ Raqqa sang hướng Al-Bab. Như đã biết, quân đội Syria rất nhanh chóng đổi hướng và đã hướng đến gần El Bab. Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần một vài cây số đến thành phố, nhưng đã phải dừng lại sau khi bị tấn công.
Như vậy, Al-Bab thành một địa điểm mà tại đó có thể bùng nổ cuộc đối đầu trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tình trạng này là một trong những lý do giải thích tại sao gần đây Erdogan có những tuyên bố rất gay gắt chống tổng thống Syria Assad.
Theo ý kiến của ông Guller, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang áp dụng chiến lược chính sách đối ngoại, đặc biệt theo hướng Syria, như một công cụ trong chính sách đối nội, để đổi chế độ Cộng hòa Nghị viện sang chế độ Cộng hòa Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Còn có một mục tiêu ảo, mà Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền nói rõ với cử tri. Mục tiêu này là biến Aleppo thành tỉnh thứ 82 của Thổ Nhĩ Kỳ, và Mosul thành tỉnh thứ 83. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng để mục tiêu này kết hợp với mục tiêu sang chế độ Cộng hòa Tổng thống, bởi vì họ tin rằng chỉ có chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đảm bảo sự thống nhất và sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề sửa đổi hiến pháp. Trong bối cảnh này, ông Erdogan biến vấn đề Aleppo thành một phần trong chiến dịch tuyên truyền chính trị nội bộ nước mình ", nhà báo Guller nói.
Về vấn đề người Kurd, ông Guller nhận xét: "Nếu mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là ngăn chặn việc thành lập một hành lang của người Kurd ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, thì chìa khóa không phải ở Al-Bab mà ở thành phố Manbij, còn về mặt chính trị thì ở Damascus. Trong khi chưa thiết lập cuộc đối thoại giữa Ankara và Damascus, không thể nói về việc ngăn chặn các tham vọng của người Kurd”, ông Guller cho biết.