Thiếu vốn thừa USD

Các ngân hàng lẽ ra phải cho doanh nghiệp vay, tạo ra hàng hóa, của cải, lợi nhuận... thì nay lại mang tiền đó đi gửi lại ở nước ngoài, TS Ngô Trí Long nói.
Điều hành chính sách ngoại tệ cần những bước đi linh hoạt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Điều hành chính sách ngoại tệ cần những bước đi linh hoạt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dù Ngân hàng Nhà nước phản biện rằng việc các ngân hàng thương mại gửi ngoại tệ ra nước ngoài là bình thường, nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh các doanh nghiệp khát vốn rẻ thì con số gửi tiền tỉ USD ra nước ngoài lại không hề bình thường.

Gửi hàng tỉ USD ra nước ngoài hưởng lãi

Các NH lẽ ra phải cho DN vay, tạo ra hàng hóa, của cải, lợi nhuận... thì nay lại mang tiền đó đi gửi lại ở nước ngoài. Như vậy, tiền chạy vòng từ nước ngoài qua VN rồi lại chạy ra nước ngoài. Chúng ta chống đô la hóa, điều đó rất đúng, nhưng khi quyết định loại trừ USD ra khỏi hệ thống thì thời cơ đó phải chín muồi

TS Ngô Trí Long

Báo cáo kinh tế quý 1/2016, vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, cho thấy số tiền gửi ở nước ngoài gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỉ USD vào quý 3/2015. VEPR cho rằng đây là diễn biến bất thường cần tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ.

Theo giả thuyết của VEPR, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” ngoại tệ. Lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá nhân dân tệ khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Nên giải pháp sinh lời tốt nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở NH nước ngoài. VEPR đặt vấn đề: “Nếu giả thiết là đúng, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau do chính sách hạ lãi suất huy động USD về mức 0%/năm và hạn chế đối tượng vay ngoại tệ. Việc đưa lãi suất huy động về 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dạng không kỳ hạn. Các NHTM sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp (DN) và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài”.

Phản biện lại thông tin trên, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (NH Nhà nước) Tô Huy Vũ cho rằng: “Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các NHTM mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động NH. Các NH chỉ để một phần ngoại tệ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu của dân cư, còn lại đầu tư dưới hình thức nào phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của DN và người dân”.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét việc một lượng ngoại tệ lớn chảy ra NH nước ngoài có tác động từ chính sách giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm. Bởi ở đầu vào, dù lãi USD về 0%/năm nhưng người dân vẫn gửi tiền vào NH vì họ muốn đảm bảo ngoại tệ được bảo quản, cất giữ an toàn. Ngoài ra còn kỳ vọng tỷ giá ngoại tệ tăng trong tương lai sẽ sinh sôi thêm lợi nhuận. Ở phía đầu ra, NH Nhà nước ban hành Thông tư số 24 siết cho vay ngoại tệ đối với các DN sản xuất kinh doanh trong nước để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nên nhu cầu vay vốn ngoại tệ giảm. Tiền gửi vẫn chảy vào trong khi đầu ra siết lại buộc các NH phải mang đi gửi ở nước ngoài. Đó là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh.

Chuyên gia Bùi Trinh nhận xét: DN thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn rẻ, vậy mà một nguồn vốn lớn được gửi ra nước ngoài với lãi suất thấp chỉ để hưởng lãi thì chính sách cần phải xem lại.

Trước đó, ông Tô Huy Vũ cho rằng chính sách hạ lãi suất 0%/năm tiền gửi USD không tác động đến hành vi của các NHTM bởi thời điểm thực hiện hạ lãi suất rơi vào 28.9 (đối với tổ chức kinh tế) và 18.12.2015 (đối với dân cư). Trong khi đó, thời điểm tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài tăng diễn ra vào quý 3/2015. Nguyên Thống đốc NH Nhà nước Cao Sĩ Kiêm chưa đồng tình với quan điểm này bởi với mỗi một chính sách trước khi được ban hành, thị trường đã đón nhận xu hướng đó từ rất sớm. Đặc biệt, khi việc siết cho vay USD đã được NH Nhà nước dự thảo thông tư từ 6 tháng trước khi có hiệu lực, trong khi lãi suất USD được hạ xuống rất thấp nên theo ông Kiêm, các NH cũng đã lường trước tình hình.

Vốn rẻ không được đưa vào nền kinh tế

Nghe con số tiền gửi ở NH nước ngoài 7,3 tỉ USD, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất, bức xúc khi cách đây 2 tuần, phía NH ngưng không cho DN vay ngoại tệ theo Thông tư 24. Bà Thúy cho hay: Trước đây đơn vị ký kết hợp đồng xuất khẩu với phía nước ngoài, theo như hợp đồng thì đối tác được trả chậm từ 30 - 90 ngày sau khi nhận hàng. Đơn vị dùng chứng từ này để vay ngoại tệ tại NH với lãi suất 3 - 3,5%/năm mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Khi ngoại tệ được đối tác thanh toán, DN cũng bán lại cho phía NH.

“Bây giờ quy định nhà nước không cho DN xuất khẩu như chúng tôi vay ngoại tệ mà chuyển sang vay tiền đồng lãi suất 7%/năm - chi phí lãi vay tăng gấp đôi. Vậy làm sao có thể cạnh tranh với DN nước ngoài có mức lãi suất vay USD 1 - 2%/năm”, bà Thúy nói.

Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một NH cổ phần cho hay các NH trong nước gửi USD ở NH nước ngoài với mức lãi suất khoảng 0,25%, huy động trong nước 0% nhưng cuối cùng DN không được hưởng, nền kinh tế vẫn thiếu vốn rẻ. Các biện pháp như giảm lãi suất huy động USD về mức 0%, hạn chế DN vay ngoại tệ, không gia hạn cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ... nhằm đến mục tiêu chống đô la hóa. Nhưng vấn đề là một khối lượng ngoại tệ đang ở dưới dạng cất giữ mà chưa được đưa vào lưu thông. Vậy mục tiêu chống đô la hóa có đạt hay không khi một lượng vốn rẻ không được đưa vào nền kinh tế. NH gửi ngoại tệ ở nước ngoài khoảng 0,25%, trong khi các DN trong nước đang vay tiền đồng 7 - 9%/năm. Lãi suất VND lại đang chịu áp lực tăng căn cơ của nền kinh tế”. Vị này cho rằng: “Chống đô la hóa là chuyện phải làm nhưng nước ta còn nghèo, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ để nền kinh tế có thể sử dụng được nguồn vốn rẻ, tăng trưởng kinh tế tốt hơn”.

Ủng hộ chủ trương chống đô la hóa nhưng chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long nhận xét cách mà NH Nhà nước làm là quá vội vàng và chưa nhìn tổng thể bài toán. “Mỗi năm VN đón hơn chục tỉ USD kiều hối, trừ đi một phần để thanh toán, chi trả cho nhu cầu của người dân, phần còn lại có thể chảy vào hệ thống NH với lãi suất 0%/năm. Các NH lẽ ra phải cho DN vay, tạo ra hàng hóa, của cải, lợi nhuận... thì nay lại mang tiền đó đi gửi lại ở nước ngoài. Như vậy, tiền chạy vòng từ nước ngoài qua VN rồi lại chạy ra nước ngoài. Chúng ta chống đô la hóa, điều đó rất đúng, nhưng khi quyết định loại trừ USD ra khỏi hệ thống thì thời cơ đó phải chín muồi”, TS Long kiến nghị.

Theo Thanh niên