Thiếu việc làm, nhiều người trẻ Trung Quốc "làm con toàn thời gian" lấy tiền lương từ cha mẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Do thất nghiệp tăng cao, một bộ phận người trẻ ở Trung Quốc lựa chọn ở nhà phụ giúp cha mẹ và được họ trả lương không khác gì một công việc.

1.png
Người trẻ tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Quý Châu, Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Làm việc nhà ăn lương

Ở Mỹ, trẻ em thường được cha mẹ cho tiền tiêu vặt, thường là vài USD mỗi tuần, để đổi lấy việc chúng phải làm việc nhà. Còn hiện nay ở Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp ở người trẻ tồi tệ đến nỗi một số người trưởng thành trẻ tuổi cũng được nhận số tiền tiêu vặt cao gần bằng mức lương trung bình quốc gia, chỉ để làm...một đứa con.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc, hashtag #FullTimesDaughter và #FullTimeSon đã thu hút được hàng triệu lượt xem. Những “con cái toàn thời gian” này được trả tiền chỉ để...làm con của cha mẹ họ, trong đó có dành thời gian với cha mẹ, cùng cha mẹ đi chơi và làm việc nhà...

Công việc này dường như “lai” giữa một đứa con và một trợ lý có thể làm nhiều công việc cùng lúc như đi mua sắm, nấu ăn và lau dọn nhà cửa cho cha mẹ của họ. Hầu hết những “đứa con toàn thời gian” này đều được hưởng lợi ích là ăn, ở miễn phí trong ngôi nhà của cha mẹ họ.

Tình trạng thất nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được xem là một thách thức lớn, khi mà 3 năm thực thi chính sách zero-COVID đã làm chậm đáng kể nền kinh tế của Trung Quốc.

Trong tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm người ở độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc lên đến 21,3% - mức cao nhất từ trước đến nay, và tăng thêm so với 20,8% trong tháng 5. Cứ mỗi 5 người thuộc thế hệ Gen Z thì có 1 người bị thất nghiệp, vậy nên việc sắp xếp để họ có nguồn thu nhập ổn định từ công việc nhà và đi chơi cùng cha mẹ lại trở thành hấp dẫn.

Hơn 4.000 “đứa con toàn thời gian” đã tham gia vào một diễn đàn trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc.

“Tôi thích nấu ăn, và tôi nấu bữa trưa, bữa tối cho gia đình tôi từ thứ Hai cho đến thứ Sáu”, một cô con gái toàn thời gian đăng tải trên Douban. “Cha mẹ tôi cho tôi tiền mà không can thiệp vào cuộc sống của tôi. Mỗi ngày tôi đều rất vui vẻ”.

Xu hướng này xuất hiện trùng thời điểm với “nằm yên”, còn gọi là “nằm yên, mặc kệ”, một xu hướng cũ hơn bắt nguồn từ tâm lý chán nản làm việc và tránh xa cuộc sống mệt nhọc. Nằm yên cũng khá giống với phong trào “lặng lẽ nghỉ việc” (quiet quitting) đang diễn ra ở Mỹ: đều là một phong trào phản văn hoá mà trong đó nhiều người lao động trẻ tuổi ở Trung Quốc không muốn phấn đấu, từ bỏ tham vọng trong sự nghiệp và hướng tới lối sống tối giản, vô lo.

Nằm yên được xem là xu hướng phản đối công việc phổ biến nhất ở Trung Quốc, nhưng có nhiều xu hướng tương tự, như “phi tiến hoá” và “để nó thối rữa” cũng thể hiện cảm giác bi quan, hoàn toàn thiếu mong muốn được thăng tiến trong một ngành nghề.

230720-china-full-time-kids-mb-1310-3cd0eb.jpg
Nhiều người trẻ lựa chọn làm việc nhà cho cha mẹ lấy lương (Ảnh: NBC)

Vấn đề xã hội đáng lo ngại

Con lắc thế hệ đang dao động mạnh mẽ về phía tâm lý chống làm việc và ngừng tham vọng ở Trung Quốc, trong khi thế hệ millenials của Trung Quốc – vốn nổi tiếng là tập trung vào công việc của mình – bắt đầu giảm. Ở Trung Quốc, thế hệ millenial còn được gọi là “ken lao zu”, có nghĩa vẫn sống cùng với cha mẹ và phụ thuộc vào cha mẹ. Những người được sinh ra trong thập kỷ 80 của Trung Quốc rất cạnh tranh ở trường học và chăm chỉ trong công việc.

Một số người tin rằng xu hướng làm “con cái toàn thời gian” ở Gen Z của Trung Quốc bắt nguồn từ văn hoá cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục, được củng cố bởi thế hệ trước. Sức ép từ việc học và cạnh tranh trong sự nghiệp có thể đã truyền lại cho nhiều thế hệ, làm dấy lên xu hướng chủ bại sâu rộng trong cộng đồng người lao động trẻ tuổi.

Tuy nhiên, trở thành một người “con toàn thời gian” lại là một đặc quyền chỉ có ở tầng lớp trung lưu và cao hơn ở Trung Quốc. Hầu hết người dân Trung Quốc không thể trả lương cho con cái họ, thay vào đó nhiều bậc cha mẹ dựa vào con cái trưởng thành để bổ sung thu nhập cho gia đình. Bởi vậy trở thành “con cái toàn thời gian” không phải lựa chọn của hầu hết mọi người.

Hiện đang có cuộc tranh luận về việc liệu “con cái toàn thời” có thực sự là một công việc hay không – mặc dù cái tên không mang nhiều ý nghĩa, nhưng công việc này lại giống như việc chăm sóc cá nhân hay quản gia. Nhưng dù sao, “con cái toàn thời gian” không phải một phần trong lực lượng lao động chính thức, bởi họ vẫn bị coi là thất nghiệp ở Trung Quốc.

Mặc dù nhiều người “con toàn thời gian” tìm thấy sự thoả mãn cá nhân trong công việc tại gia của mình, đối với quốc gia đó là một xu hướng đáng lo ngại. Trung Quốc là một trong số những nước có dân số già hoá nhanh nhất thế giới trong khi tỷ lệ sinh đẻ đang giảm, bởi vậy họ cần phải nhanh chóng tạo thêm việc làm thực sự cho những người trẻ tuổi, để làm mới lực lượng lao động.

Nếu tình trạng thất nghiệp còn tiếp tục trong thời gian dài, Trung Quốc có thể chứng kiến hàng nghìn người trẻ tuổi không bao giờ trở thành những người lao động toàn thời gian chính thức./.

Theo Forbes