“Thiến sinh học” đối với tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em

VietTimes – Đây là đề xuất của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại cuộc họp Quốc hội hôm nay (27/5) về báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em".
"Thiến sinh học" đối với tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Ảnh: Internet
"Thiến sinh học" đối với tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Ảnh: Internet

Thiến sinh học

Hôm nay, 27/5, quốc hội dành cả ngày để họp thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online và Thanh Niên Online, các Đại biểu đã tranh luận sôi nổi và nghẹn ngào khi đề cập đến vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết qua tiếp xúc cử tri, ai cũng bức xúc, căm phẫn, mong muốn sớm phát hiện, truy tố và xử lý nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em.

Ông Phương đề xuất cần áp dụng thêm biện pháp "thiến sinh học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông, biện pháp này đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm.

Đại biểu Phương cho rằng chúng ta không ngờ được các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội. Có tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần là ông nội, cha ruột xâm hại bé gái, dọa sẽ giết cháu, nếu dám nói sự thật. Do đó, việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết.

Đồng thời, ông đề nghị truyền thông và cộng đồng tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.

Một nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở TP.HCM bị tuyên án 4 năm tù vì tội dâm ô trẻ em
Một nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở TP.HCM bị tuyên án 4 năm tù vì tội dâm ô trẻ em

Các đại biểu cũng nêu rõ, các văn bản pháp luật để xử lý đối tượng vi phạm vẫn còn chưa rõ ràng, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân… Do đó, Chính phủ Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em; làm tốt công tác tuyên truyền và tăng cường hiệu lực của pháp luật trong thực tế.

Đồng thời, ông Phương đề nghị truyền thông và cộng đồng tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.

Băng hoại đạo đức

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Xâm hại tình dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em).

Đáng nói, nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội... lại là nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em.

Các Đại biểu cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt.

Với sự phát triển của Internet, trẻ em đã sớm trở thành "công dân mạng", tham gia rất nhiều hoạt động trên mạng, hấp thụ cả những ảnh hưởng tốt và chịu chi phối cả những mặt tiêu cực trên mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: quochoi.vn

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội. Thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện... Sau đó chúng cho các em xem phim khiêu dâm, hướng dẫn đóng phim, rồi cuối cùng sử dụng chính hình ảnh đó để đe dọa, ép buộc các em gặp ngoài đời thực, ép quan hệ tình dục...

Đại biểu Thủy đề nghị các bậc cha mẹ cùng với nhà trường có các chương trình, nội dung để hướng dẫn, giáo dục cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tham gia mạng xã hội, trong đó có các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại nói chung và chống xâm hại tình dục nói riêng.

Đồng thời, Bộ Công an phải có các phương án đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với loại tội phạm này.