Thị trường viễn thông: 4G đã sẵn sàng

Từ nhà cung cấp nền tảng, nhà mạng đến nhà sản xuất đều đã có kế hoạch chi tiết cho việc triển khai 4G tại thị trường Việt Nam. Cơ hội mở ra từ công nghệ viễn thông này hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm của 2016. 
Thị trường viễn thông: 4G đã sẵn sàng

Mở cửa cho 4G

Ngày 18/1, VNPT VinaPhone tổ chức thử nghiệm 4G bằng chuỗi sự kiện trải nghiệm các dịch vụ 4G trên nền tảng công nghệ LTE Advanced song song tại Phú Quốc và TP.HCM. Những trải nghiệm đặc biệt tại sự kiện bao gồm dịch vụ xem video chất lượng cao (Mobile TV), dịch vụ truyền video Live streaming (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing) và dịch vụ sử dụng máy tính ảo (Daas).

Đây là những dịch vụ cần tốc độ và dung lượng rất cao về dữ liệu, nhạy cảm về độ trễ, cho thấy tốc độ 4G trung bình sẽ cao hơn 3G khoảng 10 - 20 lần, độ trễ của dịch vụ thấp, đặc biệt vùng phủ sóng ổn định hơn hẳn so với 3G.

4G (fourth-generation) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây.

So với mạng 3G, 4G có những điểm cộng như dễ dàng cài đặt, tốc độ nhanh hơn, tín hiệu tốt hơn, ổn định hơn, vùng phủ sóng rộng hơn cũng như bảo mật tốt hơn.

Trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT phủ sóng 4G toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với 50 trạm và một số quận tại trung tâm TP.HCM với 100 trạm phát sóng.

Ông Lương Mạnh Hoàng - Chủ tịch Tổng công ty VNPT VinaPhone cho biết, sau khi được cấp phép, VNPT sẽ lắp đặt các trạm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh có thị phần cao như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Nam Định...

Nhanh chân hơn VNPT, những ngày cuối năm 2015, Viettel đã triển khai 4G tại Vũng Tàu, làm dấy lên sự tò mò của người dùng.

Như vậy, hai trong ba "ông lớn" của ngành viễn thông Việt Nam đều đã sẵn sàng cho việc phục vụ đường truyền tốc độ cao 4G.

"2016 sẽ là năm của 4G tại Việt Nam. Chính phủ đã hoàn tất quá trình sắp xếp băng tần 1800MHz cho 4G, tạo tiền đề cho các nhà mạng", ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quốc Cường - Giám đốc Truyền thông Oppo cho biết, chỉ trong 6 tháng tới, 4G sẽ "nóng nhất" thị trường bởi cơ hội mở ra từ ứng dụng công nghệ này rất lớn, hứa hẹn tạo ra những bước đột phá về dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.

Bên cạnh những trải nghiệm khác biệt đối với người sử dụng, 4G còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho doanh nghiệp, chính quyền trong giai đoạn "Internet kết nối mọi thứ - Internet of Things" sắp đến.

Không chỉ dừng lại ở truy cập internet tốc độ cao, 4G sẽ góp phần đặc biệt quan trọng vào việc triển khai mô hình nhà thông minh, thành phố thông minh cũng như đưa robot vào phục vụ đời sống, xa hơn nữa là quần áo thông minh, máy bay thông minh không người lái...

"Điều chắc chắn xảy ra là 4G sẽ kích thích thị trường smartphone phát triển trong năm 2016", ông Cường khẳng định.

Mở đường cho thiết bị

Để đẩy nhanh tiến trình mở rộng mạng 4G LTE, đại diện Qualcomm cho biết, đơn vị này đang làm việc với các nhà sản xuất thiết bị gốc, các nhà mạng nhằm đem lại những vi xử lý di động hỗ trợ 4G LTE cho tất cả các phân khúc, thiết bị di động hiệu năng cao và kết nối mạng hiệu quả, đáng tin cậy cho người dùng.

"Tính đến nay, trên thế giới đã có 80 dòng thiết bị trang bị Snapdragon 820, vi xử lý di động cao cấp giúp tăng hiệu năng thiết bị, giảm tiêu thụ điện năng", ông Nam tiết lộ.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là đến nay, các thiết bị tương thích với 4G đều là sản phẩm cao cấp, như Iphone 6S, 6S plus, HTC, One M9, A9, LG GFLEX 2, G4, Nexus 5X, Samsung Galaxy S6 Edge, Note 5... Các sản phẩm phân khúc này chưa phải phổ biến với người dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, "trong bối cảnh nhà mạng đã khẳng định giá cước, giá dịch vụ dữ liệu 4G sẽ không tăng so với 3G ở cùng dung lượng sử dụng, thậm chí người dùng còn được hưởng nhiều gói ưu đãi hấp dẫn trong giai đoạn thử nghiệm thì nhà sản xuất đã có thể mạnh tay hơn trong việc đưa ra các sản phẩm tầm trung nhưng vẫn tương thích 4G", ông Đặng Quốc Cường đánh giá.

Đơn cử như Oppo vừa đưa ra thị trường Việt Nam chiếc Oppo F1, chiếc điện thoại tầm trung, giá khoảng 6,5 triệu đồng có hỗ trợ 4G.

Theo số liệu nghiên cứu hành vi tiêu dùng, hiện trung bình người Việt Nam dành 169 phút mỗi ngày dùng internet trên điện thoại di động, cao hơn cả latop và máy tính để bàn.

Nhu cầu xem video trực tuyến cũng đang tăng nhanh. Đây chính là điểm mấu chốt để dịch vụ 4G dễ dàng được chấp nhận trong thời gian tới. Đã có nhu cầu của người dùng, có nhà mạng, có cả sản phẩm, việc hiện thực hóa 4G ở Việt Nam chỉ là sớm muộn.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 36 triệu thuê bao 3G. Di động băng rộng đã tạo điều kiện cho 52% dân số truy cập internet.

Sự phát triển này có phần đóng góp quan trọng của nhiều yếu tố, bao gồm các gói cước phù hợp, sự gia tăng các thiết bị di động giá rẻ, và nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu.

Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường điện thoại thông minh trong nửa đầu năm 2015 với tỷ lệ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Mức độ phát triển của thị trường điện thoại thông minh sẽ góp phần làm cho nhu cầu sử dụng 4G tăng nhanh như đã từng từ 2G lên 3G.

Theo DNSG online