Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam: Hợp lực cùng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ góc độ khu vực công, điện toán đám mây được nhìn nhận như hạ tầng công nghệ tất yếu trước yêu cầu quản trị, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ các cơ quan nhà nước cũng như tiến tới mở dữ liệu cho công chúng
Các công nghệ mới nổi như AI, metaverse, học máy,… về cơ bản vẫn cần “chạy” trên 3 nền tảng lớn là dữ liệu, công nghệ phân tích, thuật toán và điện toán đám mây.
Các công nghệ mới nổi như AI, metaverse, học máy,… về cơ bản vẫn cần “chạy” trên 3 nền tảng lớn là dữ liệu, công nghệ phân tích, thuật toán và điện toán đám mây.

Lợi ích của điện toán đám mây

Điện toán đám mây đã và đang trở thành một trong những công nghệ cốt lõi, quan trọng trong quá trình chuyển đổi số từ cấp độ doanh nghiệp đến cấp độ quốc gia. Theo đó, rất nhiều công nghệ mới nổi hiện nay như AI, Metaverse, học máy,… về cơ bản vẫn cần “chạy” trên 3 nền tảng lớn là dữ liệu, công nghệ phân tích, thuật toán và điện toán đám mây. Trong đó, điện toán đám mây giữ vai trò là năng lực tính toán để xử lý, phân tích dữ liệu, từ đó đem lại những giải pháp mới.

Ví dụ về hiệu quả của Công ty GREENFEED sau khi dịch chuyển lên đám mây: 100% Tự động hóa về báo cáo quản trị, tỷ lệ khách hàng nội bộ và đối tác hài lòng tăng 80%, cắt giảm 30% chi phí quản lý vận hành hệ thống, cắt giảm 300% thời gian triển khai hoặc mở rộng hệ thống theo yêu cầu, cắt giảm 400% thời gian nâng cấp, cấu hình hạ tầng và quản trị theo nhu cầu.

- Báo cáo của đại diện công ty GREENFEED tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 -

So với phương thức sử dụng hạ tầng vật lý truyền thống, điện toán đám mây đã đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, khu vực tư nhân khi giúp tiết kiệm chi phí đầu tư về lâu dài, chi phí vận hành hạ tầng công nghệ thay đổi linh hoạt theo mức sử dụng, gia tăng năng suất lao động, đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu, và đặc biệt là khả năng phát triển sản phẩm mới dựa trên các tài nguyên công nghệ sẵn có.

Từ góc độ khu vực công, điện toán đám mây cũng được nhìn nhận như một hạ tầng công nghệ tất yếu trước yêu cầu quản trị, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ các cơ quan nhà nước cũng như tiến tới mở dữ liệu cho công chúng. Nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Vương quốc Anh, Philippines đã ban hành chính sách ưu tiên điện toán đám mây từ vài năm nay như một phương thức thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này trong quá trình hoạt động và vận hành của cơ quan nhà nước các cấp.

Hình 1. Danh sách các quốc gia ban hành chiến lược và chính sách sử dụng điện toán đám mây. Nguồn: Báo cáo “Government Trends 2020” của Deloitte.

Hình 1. Danh sách các quốc gia ban hành chiến lược và chính sách sử dụng điện toán đám mây.
Nguồn: Báo cáo “Government Trends 2020” của Deloitte.

Mức độ sử dụng chưa tương xứng với tiềm năng thị trường

Nhìn lại thị trường Việt Nam, mặc dù tiềm năng thị trường điện toán đám mây là rất lớn nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa thực sự tương xứng. Hai trong số các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có thể kể đến là động lực và mức độ sử dụng đám mây của người dùng tại Việt Nam.

Theo đó, đối với khách hàng là các doanh nghiệp SMEs, họ dễ dàng dịch chuyển toàn bộ hệ thống lên đám mây bởi quy mô nhỏ, hoạt động chưa phức tạp. Thậm chí một vài doanh nghiệp khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay với việc xây dựng hệ thống trên đám mây (cloud-native). Ngược lại, đối với các doanh nghiệp lớn hay các cơ quan khối nhà nước, việc dịch chuyển đám mây gặp nhiều khó khăn hơn do hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư lâu dài với chi phí lớn, con người và kỹ năng công nghệ còn hạn chế, và đặc biệt là quy trình chưa kịp thích ứng khi dịch chuyển lên đám mây.

Theo đánh giá của Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á về mức độ sẵn sàng sử dụng điện toán đám mây, Việt Nam vào năm 2020 chỉ đạt 46.2/100 điểm. Trong đó, ngoại trừ các chỉ số liên quan đến cơ sở hạ tầng để vận hành điện toán đám mây có sự tăng điểm qua các năm, các chỉ số còn lại, đặc biệt là chỉ số về quy định pháp lý (gồm Quyền riêng tư, môi trường pháp lý quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) có điểm số thấp nhất so với các quốc gia được đánh giá.

Điểm đánh giá mức độ sẵn sàng sử dụng điện toán đám mây của Việt Nam.

Điểm đánh giá mức độ sẵn sàng sử dụng điện toán đám mây của Việt Nam.

Điểm đánh giá trên phần nào thể hiện thực trạng cũng như điểm nghẽn chính sách hiện nay của Việt Nam. Khi nhắc đến điện toán đám mây, chúng ta có thể nghĩ ngay tới cơ chế hoạt động, lưu trữ không tập trung, cố định tại một không gian địa lý xác định mà dữ liệu trên đám mây có thể luân chuyển, lưu trữ ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng các quy định thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, hay các tiêu chuẩn kỹ thuật về điện toán đám mây chưa phù hợp.

Câu chuyện tỷ lệ 80-20 về thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam

Theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nội địa chỉ chiếm 20% thị phần so với 80% thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài như Microsoft, AWS, Google,… Con số này tạo ra những mối lo ngại nhất định về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trước sức ép của doanh nghiệp nước ngoài với nhiều năm kinh nghiệm và nguồn lực vượt trội.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khác, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nhà cung cấp dịch vụ nội địa thay vì tìm kiếm các biện pháp bảo hộ, các doanh nghiệp điện toán đám mây trong nước có thể chủ động hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra các sản phẩm phù hợp nhất với người dùng trong nước.

Hiện nay, theo đánh giá, mô hình điện toán đa đám mây (Multi-cloud) sẽ trở thành xu thế trong tương lai khi khách hàng có thể sử dụng kết hợp đám mây của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau để tối ưu chi phí và trải nghiệm sử dụng. Đây cũng là hướng đi mà các công ty Việt Nam đã và đang phát triển trong giai đoạn tiếp theo để kết nối trực tiếp tới các đám mây của các doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, nếu nhìn toàn cảnh thị trường điện toán đám mây như một hệ sinh thái thì vai trò của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là bổ sung, tương hỗ và cạnh tranh cùng phát triển thay vì đối đầu, phân chia “miếng bánh” thị phần. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về hạ tầng, nền tảng với kinh nghiệm xây dựng và vận hành lâu năm.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại có thế mạnh trong việc tận dụng nền tảng để phát triển ứng dụng, đổi mới sáng tạo. Khi tận dụng và hợp tác, hợp lực được với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội hơn để vươn ra thế giới, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ của người dùng cả trong và ngoài Việt Nam.