Thị trường BĐS thiếu minh bạch, người mua rất dễ “dính bẫy“

VietTimes -- Đó là ý kiến đáng chú ý mà Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - đã nhấn mạnh tại Hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới bất động sản (BĐS)” vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Thị trường kém minh bạch, công cụ quản lý chưa đầy đủ khiến thị trường BĐS tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro và người mua là đối tượng gánh chịu
Thị trường kém minh bạch, công cụ quản lý chưa đầy đủ khiến thị trường BĐS tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro và người mua là đối tượng gánh chịu

Kém minh bạch

Sự kiện có sự tham dự của hơn 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND, các Sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường các tỉnh vực miền Trung, các chuyên gia bất động sản, Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các nhà môi giới của cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, thực trạng minh bạch của Thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn đang rất kém, bất chấp nhiều nỗ lực cải thiện thời gian qua.

Dẫn chứng số liệu điều tra quản lý đầu tư của JLL.LaSalle năm 2018, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam thuộc nhóm “kém minh bạch” BĐS trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể, chúng ta xếp ở vị trí 61 toàn cầu về chỉ số minh bạch BĐS, và chỉ đứng trên Sri Lanka, Myanmar... trong nhóm tại khu vực.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam đang phát triển thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án cho đến giao dịch bất động sản.

Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, khiến các dự án BĐS dễ phát sinh tiêu cực. “Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Việt Nam xếp trong nhóm kém minh bạch BĐS trong nhóm các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Việt Nam xếp trong nhóm kém minh bạch BĐS trong nhóm các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu đồng bộ về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản. Điều này khiến người dân không thể biết được diễn biến của thị trường, giá cả một cách chính xác để có xác định hướng đầu tư đúng đắn. 

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong khi thị trường đang thiếu minh bạch thì một nghịch lý đang diễn ra là những báo cáo hàng quý, hàng năm đều đặn nhất lại đến từ những công ty kinh doanh BĐS nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. “Tuy nhiên, độ chính xác của những báo cáo này thì không được kiểm chứng. Vì không có số liệu chuẩn để đối chiếu nên vẫn có độ vênh số liệu giữa các công ty. Hơn nữa, vì là đơn vị kinh doanh nên chắc chắn thông tin đưa ra phải có lợi cho dự án của họ”-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Người mua rất dễ rơi vào “bẫy”

“Chính vì vậy, sự thiếu minh bạch này chính là sự bất đối xứng thông tin, buộc người tiêu dùng phải tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau để tránh bị rơi vào bẫy và phải trả giá đắt khi mua bất động sản”- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 đã yêu cầu chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án BĐS tại website doanh nghiệp những nội dung bắt buộc như quy hoạch chi tiết của dự án, số lượng nhà ở bán, số lượng nhà ở còn lại... Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, mà chủ yếu đăng tin, đánh bóng sản phẩm BĐS nhằm bán được hàng càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng, giống như một định chế nhằm quản lý và kiểm soát các chủ đầu tư thực hiện dự án là vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư, khả năng huy động vốn,… nhưng thực tế công tác này chưa được quy định chặt chẽ và thẩm tra kỹ lưỡng. Thậm chí nhiều trường hợp chủ đầu tư còn ủy quyền ký kết hợp đồng mua bán và chuyển giao mọi hoạt động dự án cho bên đối tác, khiến một dự án có tới hai công ty “đồng chủ đầu tư”. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp và xử lý giải quyết, nếu xảy ra đổ vỡ.

Ngoài ra, pháp luật hiện cũng chưa có công cụ hữu hiệu để ngăn chặn việc chủ đầu tư bán một nhà ở cho nhiều người. Hạn chế của cơ chế kiểm soát là vậy, nên nếu chủ đầu tư cố ý bán một sản phẩm cho nhiều người như đã từng xảy ra thì cơ quan quản lý và người mua nhà cũng không thể biết. Theo các chuyên gia, đây là lỗ hổng pháp lý cần phải bổ sung.

Thị trường BĐS thiếu minh bạch, người mua dễ rơi vào bẫy và đối mặt với những hệ lụy khó lường
Thị trường BĐS thiếu minh bạch, người mua dễ rơi vào bẫy và đối mặt với những hệ lụy khó lường
Các chuyên gia này khuyến nghị, để minh bạch thị trường BĐS cũng như tăng cường các biện pháp quản lý, trong thời gian tới, các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư và cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy, được kiểm chứng để giảm bớt rủi ro cho người mua nhà, khắc phục tình trạng thông tin thiếu chính xác, dẫn đến rủi ro rất cao, thậm chí, lừa đảo đối với người mua bất động sản như hiện nay./.