Thị phần mạng 5G của Huawei, ZTE bất ngờ được mở rộng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang

VietTimes – Thị phần mạng 5G của hai “gã khổng lồ” viễn thông của Trung Quốc được mở rộng trong nửa đầu năm 2019 khi các đơn đặt hàng thiết bị mạng 5G của hai công ty có dấu hiệu tăng trưởng.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Thị phần của Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đạt 28,1% tính đến cuối tháng 6. Như vậy, thị phần của hãng tăng hơn 1% so với thời điểm 27% vào cuối tháng 12 năm ngoái, theo báo cáo của Dell’Oro, một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của ngành công nghiệp viễn thông có trụ sở tại Califonia.

ZTE, một “đồng hương” cũng là đối thủ của Huawei chiếm 9,6% thị phần viễn thông trong cùng kỳ, tăng 1,6% so với 8% vào cuối năm ngoái.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này được cho là do có sự gia tăng trong số lượng các đơn đặt hàng thiết bị mạng 5G của hai công ty tại Trung Quốc và các thị trường nước ngoài.

Với tốc độ nhanh hơn tới 100 lần so với mạng 4G hiện tại, công nghệ mạng truyền thông không dây thế hệ thứ năm, gọi là 5G, được xem là chìa khóa đi vào thế giới Internet of Things (Internet của vạn vật), (IoT) từ ô tô tự lái đến thành phố thông minh và nhiều ứng dụng di động khác, thiết lập "xương sống" cho ngành công nghiệp internet.

Nhiều nhà khai thác mạng viễn thông đã bắt đầu thử nghiệm và triển khai công nghệ di động thế hệ tiếp theo này.

Mặc dù bị đưa vào danh sách đen thương mại, hạn chế mua các linh kiện và công nghệ của Hoa Kỳ nhưng Huawei gần như đã tránh được hầu hết các tiêu cực ảnh hưởng đến việc kinh doanh thiết bị viễn thông của hãng, theo các chuyên gia phân tích của Dell’Oro.

Huawei đã báo cáo doanh thu nửa đầu năn 2019 của mình vào tháng 7, tăng 23,2% tương đương với 401,3 tỷ NDT (56,1 tỷ USD) so với mức 325,7 tỷ NDT cùng kỳ năm ngoái, do có sự tăng trưởng trong các lô hàng điện thoại thông minh và thiết bị mạng 5G.

Đối với ZTE, thành tích 10% thị phần của công ty trong nửa đầu năm nay là một minh chứng tuyệt vời cho sự phát triển bền bỉ cũng như sự trung thành của khách hàng đối với các sản phẩm công ty.

Gian hàng thiết bị viễn thông của ZTE tại triển lãm thương mại MWC Barcelona hàng năm được tổ chức vào tháng 2. Ảnh: SCMP
Gian hàng thiết bị viễn thông của ZTE tại triển lãm thương mại MWC Barcelona hàng năm được tổ chức vào tháng 2. Ảnh: SCMP

Tháng 4 năm ngoái, ZTE đã bị Mỹ ban hành lệnh cấm, không cho phép các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE với lý do công ty Trung Quốc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Iran. Lệnh cấm này đã khiến ZTE gần như ngừng hoạt động trong 4 tháng vì không được mua phần cứng, phần mềm cũng như dịch vụ từ các công ty công nghệ cao của Mỹ.


Các nhà phân tích cho biết, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 7, doanh thu của ZTE gần như ngay lập tức trở lại mức tăng trưởng trước đó.

ZTE đã công bố lãi ròng 607 triệu NDT kết thúc vào ngày 30/6, lấy lại tốc độ tăng trưởng sau khoản lỗ 2,7 tỷ NDT một năm trước. Doanh thu quý 2 đã tăng 188% lên 22,4 tỷ NDT, tăng từ 11,9 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái.

ZTE đã giành được hơn 25 hợp đồng cung cấp thiết bị mạng 5G vượt mặt Ericssion của Thụy Điên với 22 hợp đồng. Huawei vẫn dẫn đầu thị trường với 50 hợp đồng mạng 5G được công bố, trong khi Nokia của Phần Lan giành được 43 hợp đồng.

Cũng theo Dell’Oro, Thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu của Nokia và Ericsson trong nửa đầu năm lần lượt đạt mức 15,7% và 13,1% đều giảm so với mức 16,8% của Nokia và 13,6% của Ericsson vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Theo SCMP