Sau khi tìm kiếm, thu thập các tư liệu và bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Thư viện Đại học Yale và Thư viện Quốc hội Mỹ, tôi đến Thư viện Đại học Harvard ở Cambrigde (Massachusetts), tiếp cận kho tư liệu đồ sộ ở trường đại học danh tiếng này với hi vọng tìm thêm nhiều tư liệu quý.
Không hề có Hoàng Sa - Trường Sa
Nhờ sự giới thiệu của cô Phan Thị Ngọc Chấn, thủ thư kho sách Việt Nam ở Thư viện Harvard-Yenching, tôi tiếp cận được kho tư liệu hiếm, hoàn toàn là những tư liệu gốc, độc bản, có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Ngay trong ngày đầu tiên, tôi đã tìm thấy và sao chụp một số tư liệu rất có giá trị, trong đó đáng chú ý là hai tập bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Hoa thời nhà Thanh.
Thứ nhất là tập bản đồ Càn Long thập tam bài đồng dư địa đồ, niên đại năm Càn Long Canh Thìn (1760).
Đây là tập bản đồ gồm khoảng 200 tờ bản đồ được in theo kỹ thuật “đồng bản họa” (khắc hình lên lá đồng dát mỏng, phun mực rồi in lên giấy, một kỹ thuật in rất phổ biến ở Trung Hoa thời nhà Thanh).
Các bản đồ này vẽ chi tiết địa hình toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa dưới triều Càn Long (1735-1796), từ đại lục đến hải đảo và các vùng biển bao quanh Trung Hoa.
Trong gần 200 tờ bản đồ thuộc bộ dư địa đồ đồ sộ này, không có tờ nào vẽ hay đề cập đến hai địa danh “Tây Sa quần đảo” và “Nam Sa quần đảo”, những cái tên mà sau này người Trung Quốc đặt ra để gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Đáng chú ý là tờ bản đồ gần cuối của tập dư địa đồ này vẽ vùng biển đảo cực nam của Trung Quốc đương thời chỉ đến đảo Hải Nam.
Thứ hai là bộ Atlas von China (Tập bản đồ Trung Quốc) gồm 2 tập do NXB Verlag von Dietrich Reimer xuất bản tại Berlin năm 1885 (kích thước 55cm x 45cm).
Hai tập của bộ atlas này có 16 trang diễn giải bằng tiếng Đức và 55 bản đồ in màu, là những bản đồ hành chính và bản đồ địa hình vẽ kinh đô Bắc Kinh và 26 phủ ở Trung Quốc dưới triều hoàng đế Quang Tự (1875 - 1908).
Bản đồ đầu tiên trong tập I của bộ Atlas von China là bản đồ tổng thể Trung Quốc lúc đó. Phần cực nam của bản đồ này chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Trong tập II có bản đồ hành chính và bản đồ địa hình Quảng Đông (Canton).
Tuy nhiên khác với các bản đồ vẽ vào cuối thời nhà Thanh và bản đồ thời Trung Hoa dân quốc, hai bản đồ Quảng Đông này không có đảo Hải Nam, lúc bấy giờ vẫn được gọi là Quỳnh phủ.
Trong các thư tịch cổ Trung Quốc, vùng đất phía nam Quỳnh phủ (sau này Trung Quốc gọi là Hải Nam) luôn được gọi là “hải giác thiên nhai” (góc biển, chân trời), ám chỉ đó là vùng biên viễn xa xôi của Trung Quốc.
“Sản phẩm tưởng tượng”
Có thể nhận thấy rằng các bản đồ Trung Quốc ở trong các atlas được xuất bản chính thức vào thời nhà Thanh và thời Trung Hoa dân quốc luôn xác định rõ cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Có nghĩa là vào năm 1885 (năm xuất bản bộ Atlas von China), thậm chí tới năm 1933 (năm tái bản bộ Postal Atlas of China) thì Thanh triều và Chính phủ Trung Hoa dân quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là thuộc về Trung Quốc.
Vì thế mà hai quần đảo này không được vẽ hay ghi danh lên những bản đồ do Trung Quốc soạn vẽ, hay trong những tập bản đồ do Trung Quốc hợp tác với các nhà bản đồ học phương Tây biên soạn và ấn hành.
Ngoài tập bản đồ Càn Long thập tam bài đồng dư địa đồ và các bộ atlas, tôi còn sưu tầm được nhiều bản đồ riêng lẻ, cũng do Nhà nước Trung Quốc ấn hành chính thức từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1930, đều không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc sau này gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Vì vậy mà trong hội thảo “Conflict in the South China Sea” (Xung đột ở Biển Đông) tổ chức ở Đại học Yale (Mỹ) vào đầu tháng 5-2016, nhà báo Bill Hayton (BBC, Anh quốc) đã phát biểu rằng: Nhà nước Trung Quốc hiện nay đã dựa vào một “sản phẩm tưởng tượng” được Trung Hoa dân quốc phát minh vào năm 1947 để vẽ nên cái “đường chữ U” trên bản đồ Trung Quốc hiện đại.
Họ đưa hầu hết biển và hải đảo của các nước láng giềng của Trung Quốc vào trong cái “đường chữ U” mơ hồ và tham lam ấy rồi tuyên bố là “thuộc về chủ quyền lâu đời” của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử.
Khoa học, rõ ràng
Hai tập bản đồ vừa tìm thấy ở kho sách hiếm của Thư viện Harvard-Yenching là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ quốc gia do hoàng đế nhà Thanh là Khang Hi (1662-1722) khởi xướng và tổ chức thực hiện trong hàng chục năm trời, với sự hợp tác của các nhà bản đồ học phương Tây.
Vì thế các bản đồ này vẽ rất khoa học và rõ ràng, kèm theo các bản đồ còn có các trang chú dẫn rất chi tiết.
Theo Tuổi trẻ