|
Thế khó của Trungnam Group khi bị ngừng mua điện đột ngột |
Việc phát triển năng lượng tái tạo được xem là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là nguồn năng lượng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, truyền thông và mạng xã hội trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Tuy vậy, không ít dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được huy động hết công suất, hoặc rơi vào cảnh 'đắp chiếu' dù đã sẵn sàng phát điện.
Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội mà còn khiến các nhà đầu tư gặp khó khi phương án tài chính bị phá vỡ, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ ngân hàng.
Ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) bất ngờ thông báo tới Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thành viên Trungnam Group) về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (công suất 450MW) kể từ 0h00 ngày 1/9/2022.
Được biết, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng.
Trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án này còn phải chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và chi phí quản lý vận hành trạm khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay ngân hàng.
Sau hơn 22 tháng vận hành, sản lượng truyền tải hộ cho các dự án thông qua trạm biến áp 500kV Thuận Nam là khoảng 4,2 tỉ kWh, tương ứng 360 tỉ đồng.
Do vậy, việc EVN dừng huy động 40% công suất đồng nghĩa với việc dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư (Trung Nam Thuận Nam) về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.
Điều này có thể dẫn đến việc dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV – được đầu tư bằng chính nguồn vốn của Trungnam Group – để giải toả công suất.
"Đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư", Trung Nam Thuận Nam cho biết trong văn bản gửi tới Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công thương, EVN và Công ty Mua bán điện.
|
Doanh nghiệp này cho rằng, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án Trung Nam – Thuận Nam là không phù hợp theo các điều khoản thoả thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và chủ đầu tư.
Cụ thể, theo khoản 5 điều 4 hợp đồng mua bán điện của Trung Nam – Thuận Nam với EVN: ‘Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3 điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương.’
Do đó, chủ đầu tư kiến nghị được xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW.
Hoạt động này không chỉ tạo công bằng trong môi trường đầu tư, mà còn góp phần hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo cả khu vực. Đồng thời, nó sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính tránh nguy cơ phá sản./.