Những bài báo tiêu biểu như tờ The Wall Street Journal đã đăng một bài xã luận với tựa đề "Vietnam Says China’s Flights to South China Sea a Threat to Air Safety" (Việt Nam cho biết các chuyến bay của Trung Quốc trên biển Đông uy hiếp an toàn hàng không"
Tờ Japan Times thì đăng bài xã luận với tiêu đề "Vietnam claims China threatening regional air safety with flights to disputed area of South China Sea" (Việt Nam tuyên bố Trung Quốc đang đe dọa an toàn hàng không trong khu vực khi cho máy bay bay qua vùng biển tranh chấp trên biển Đông).
Trên thực tế, vùng biển tranh chấp mà báo Nhật nhắc đến chính là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế.
Các tờ báo lớn của thế giới đều trích và đăng tải sự kiện Việt Nam cho biết, một số máy bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trong vùng trời có kiểm soát của Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý.
Các tờ báo quốc tế đều trích lại lời phát biểu của ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - khẳng định: "Họ bay vào FIR Hồ Chí Minh mà không thiết lập liên lạc với cơ quan không lưu Việt Nam là vi phạm quy định của quốc tế, cụ thể của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)".
"Việc này gây ảnh hưởng và uy hiếp an toàn bay cho tất cả máy bay hoạt động trên các đường bay qua Biển Đông. Trong thư gửi ICAO, Cục Hàng không Việt Nam chỉ rõ họ vi phạm các quy định cụ thể của ICAO, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn các hoạt động bay trong khu vực", ông Thanh nói thêm.
Ngoài ra, các báo còn nhắc lại thông tin của Cục Hàng không và Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến hết sáng 8.1.2016, hàng không Trung Quốc thực hiện 46 chuyến bay vào FIR Hồ Chí Minh.
Riêng trong sáng 8.1 có 4 chuyến bay gồm 2 chuyến bay vào và 2 chuyến bay ra FIR Hồ Chí Minh. Tất cả các chuyến bay này đều không có thông báo hay liên lạc với cơ quan điều hành bay của Việt Nam.
Trước đó, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 6.1 cho biết, hai máy bay dân sự của nước này đã hạ cánh trên đường băng của đảo Chữ Thập -một bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam - mới được xây dựng phi pháp.
Hai "chuyến bay thử nghiệm" kể trên được tiến hành sau chuyến bay đầu tiên được Trung Quốc tiến hành hôm 2.1.2016 mà đã bị Việt Nam chính thức khiếu nại ngoại giao.
Trung Quốc kiểm soát phi pháp một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng cách xây dựng nhanh chóng các đảo nhân tạo với những đường băng dài được cho là có thể tiếp nhận các máy bay quân sự.
Những chuyến bay mà Trung Quốc thực hiện gần đây cũng dấy lên sự báo động trong cộng đồng quốc tế. Ngày 7.1, Mỹ cảnh báo rằng động thái của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Philippines cho biết họ sẽ nộp đơn phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.
Thiên Hà -Theo Japan Times, The Wall Street Journal, Một thế giới