“Thay ruột” cổ đông hay cuộc đổi chủ chóng vánh của 2 dự án “đẹp” bên hành lang sông Hồng?

VietTimes -- Cùng một ngày 20/2/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử đã ký 02 Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch cho 02 dự án giáp hành lang sông Hồng với tổng diện tích lên đến 130ha.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Hai dự án "đẹp" bên hành lang sông Hồng

Cụ thể là, ông Bùi Thế Cử đã ký phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf sông Hồng, huyện Khoái Châu với diện tích quy hoạch là 102ha; Và ký phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu biệt thự sinh thái sông Hồng, huyện Khoái Châu tổng diện tích khoảng 29,24ha.

Đều tiếp giáp đường tỉnh ĐT.378, bến phà Bình Minh và giáp hành lang sông Hồng, có thể thấy vị trí 02 khu quy hoạch này là khá gần nhau.

Theo đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu sân golf sông Hồng, thì mục tiêu xây dựng sân golf sông Hồng có quy mô 18 lỗ tiêu chuẩn cùng các tiện ích đi kèm nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao kết hợp với nghỉ dưỡng của du khách và người dân.

Trong khu vực này sẽ dành ra gần 32ha là đất lỗ golf, 1,8ha để làm đất công trình thương mại, dịch vụ; 6,67ha là đất công trình tiện ích trong sân golf, 42,6ha là đất cây xanh cảnh quan sân golf; còn lại là đất mặt nước, giao thông, dân cư hiện trạng.

Trong khuôn viên sẽ có có khu điều hành - dịch vụ, hotel, khu spa, bể bơi, sân tenis, phòng tập gym, khu vui chơi trẻ em,...

Còn theo đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu biệt thự sinh thái sông Hồng thì chức năng đất sẽ có: đất ở, đất công trình đầu mối, còn lại là đất cây xanh vườn hoa, mặt nước, đường giao thông. Tại đây được chia làm hai phân khu chức năng.

Phân khu số 01 gồm: Khu biệt thự được bố trí nằm phía trong đê bối và tiếp giáp với đường tỉnh ĐT.378, có diện tích 5,84ha, mật độ xây dựng khoảng 25%, diện tích mỗi lô đất khoảng 375m2.

Ngoài ra, trong khu 01 còn có khu cây xanh, vườn hoa, đường dạo; hồ cảnh quan được bố trí nằm ở giữa và tiếp giáp khu biệt thự có diện tích khoảng 4,96ha; Khu hạ tầng kỹ thuật nằm phía Bắc dự án là nơi đầu mối cung cấp điện, nước, thu gom nước thải, chất thải,...

Phân khu số 02 là toàn bộ không gian xanh ven sông, là khu vực không xây dựng công trình, trồng cây xanh cảnh quan kết hợp với sân vườn, đường dạo.

Được biết, Công ty CP Đầu tư golf sông Hồng (Golf sông Hồng) là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf sông Hồng; còn Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hưng Hải (Hưng Hải) là chủ đầu tư lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu biệt thự sinh thái sông Hồng.

Chuyển nhượng "khéo"

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, Công ty Hưng Hải là doanh nghiệp được thành lập năm 2009, đăng ký trụ sở chính tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Trước đây doanh nghiệp này do 03 cổ đông đăng ký góp vốn sáng lập. Đó đều là các thể nhân, gồm: Nguyễn Khắc Trung, Trần Xuân Hiền và Đặng Văn Thái.

Tuy nhiên, đăng ký thay đổi ngày 08/12/2016 cho thấy, cơ cấu sở hữu của Hưng Hải đã được "thay máu" triệt để, khi cả 03 cổ đông sáng lập đã sang nhượng hết cổ phần.

Dĩ nhiên sau đó, chức danh Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty cũng phải được sang tên. Cụ thể, vị trí trước đó của ông Luyện Huy Quảng (SN 1981) đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Duy Thái (SN 1982) - một người quê gốc Hưng Yên, nhưng hiện đăng ký hộ khẩu thường trú, cũng như chỗ ở hiện tại tại tỉnh Hải Dương.

Lưu ý rằng, Công ty Hưng Hải chính là cổ đông sáng lập lên Công ty Golf Sông Hồng - chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sân golf Sông Hồng mà bài viết đã đề cập phía trên.

Đó có lẽ cũng là lý do để Luyện Huy Quảng, rồi ông Nguyễn Khắc Trung - những "yếu nhân" của Hưng Hải, xuất hiện trong vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Golf Sông Hồng.

Công ty Golf sông Hồng được thành lập năm 2014, gồm 03 cổ đông góp vốn thành lập. Trong đó, Công ty CP phát triển Đại Dương đăng ký góp 30 tỷ đồng (chiếm 25%), Công ty Hưng Hải đăng ký góp 42 tỷ đồng (35%), ông Luyện Xuân Tràng đăng ký góp 48 tỷ đồng (40%). Trong số này, xin được lưu ý đến Công ty CP phát triển Đại Dương - một cái tên khá "khủng", đã tham gia thực hiện nhiều dự án hạ tầng, giao thông, bất động sản lớn, kể cả dự án BOT với quy mô lên đến 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, các cổ đông trên lần lượt thoái vốn. Đầu tiên là Công ty CP Phát triển Đại Dương và cá nhân ông Luyện Xuân Tràng - theo như đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 22/11/2016, dù doanh nghiệp lúc này vẫn do ông Luyện Huy Quảng làm người đại diện.

Nhưng chỉ ít tuần sau, đến đăng ký thay đổi ngày 15/12/2016 thì vị trí người đại diện theo pháp luật của Công ty Golf sông Hồng đã được chuyển sang cho ông Võ Điệp Hùng (1951, quê Bắc Giang) - người kiêm nhiệm cả vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Cùng thời điểm, cổ đông sáng lập còn lại là Công ty Hưng Hải đã thực hiện triệt thoái vốn.

Có nghĩa, Công ty Golf sông Hồng đã được "thay ruột", hay nói cách khác là đổi chủ. Cần thiết phải lưu ý về sự "đồng pha" trong việc đổi chủ của Công ty Hưng Hải và Công ty Golf sông Hồng, cùng vào cuối năm 2016.

Điều này thực ra không quá khó hiểu khi như đã nói, Công ty Hưng Hải và lãnh đạo công ty này chính là cổ đông sáng lập nên Golf sông Hồng. Nên khi Hưng Hải "thay ruột" thì bản chất cơ cấu sở hữu của Golf sông Hồng cũng đã được điều chỉnh tương ứng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu Hưng Hải và Golf sông Hồng cùng một nhóm chủ thì nhóm chủ mới của hai công ty này liệu có phải là cũng một nhóm? Cần thiết phải đánh giá, đây là một kịch bản khả dĩ.

Vậy thì nhóm chủ mới ấy là nhóm nào và thương vụ chuyển nhượng cổ phần đã đem đến cho mỗi bên điều gì và những gì?

Trước tiên nên hiểu, việc "thay máu" sở hữu của Hưng Hải và Golf Sông Hồng cũng đồng nghĩa với việc chuyển nhượng "khéo" quyền phát triển hai dự án gắn liền với chúng. Mà nên nhớ, nó đều là những dự án rất quy mô và đắc địa bên hành lang sông Hồng./.