Thấy gì từ việc thoái vốn của CTCP Him Lam tại LienVietPostBank?

VietTimes -- Sự kiện thoái vốn triệt để khỏi LienVietPostBank của CTCP Him Lam, ở một giác độ nào đó, đã phát đi tín hiệu về sự đoạn duyên của “đại gia” Dương Công Minh – người sáng nghiệp “đế chế” Him Lam – đối với nhà băng trẻ nhất hệ thống.
Thấy gì từ việc thoái vốn của CTCP Him Lam tại LienVietPostBank? (Ảnh: H.N)
Thấy gì từ việc thoái vốn của CTCP Him Lam tại LienVietPostBank? (Ảnh: H.N)

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; Mã: LPB) vừa công bố thông tin về việc thoái vốn của Công ty Cổ phần Him Lam – cổ đông lớn nhất của ngân hàng.

Cụ thể, tại Báo cáo gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CTCP Him Lam cho biết đã thoái toàn bộ 96,8 triệu cổ phiếu LPB đang nắm giữ, tương đương với 14,98% cổ phần LienVietPostBank.

Sau giao dịch, CTCP Him Lam tuyệt không còn duy trì quan hệ sở hữu với LienVietPostBank (Số lượng, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch: 0 CP).

“Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và không còn là cổ đông lớn: 23/06/2017”, báo cáo ký bởi Tổng giám đốc Dương Công Hùng nêu rõ.

Cần phải nói rằng, sự kiện thoái vốn nêu trên của CTCP Him Lam khỏi LPB là khá bất ngờ. Trước khi cổ đông lớn của công ty đại chúng này chính thức thoái vốn, chưa thấy thông tin về kế hoạch thoái vốn. Báo cáo thoái vốn sau này cũng không đề cập đến mục đích, phương thức và thời gian thoái vốn.

Đến thời điểm này, chưa rõ đâu là nhà đầu tư đã thực hiện mua vào lượng cổ phiếu LPB khổng lồ mà CTCP Him Lam đã thoái. Thực tế, đây là một thông tin rất đáng quan tâm.

Trước tiên bởi lượng cổ phiếu LPB mà CTCP Him Lam vừa thoái là rất lớn so với quy mô vốn của LienVietPostBank. Nhà đầu tư hay nhóm nhà đầu tư nào sở hữu lượng cổ phiếu này sẽ trở thành một thế lực thực sự tại ngân hàng.

Thứ nữa, với quy mô 96,8 triệu cổ phiếu LPB – tức là tương đương với khoảng 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá, cổ đông (hay nhóm cổ đông) “thế chân” Him Lam tại LienVietPostBank hẳn phải rất có thực lực. Nên nhớ, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Lê Minh Hưng là cổ đông ngân hàng phải có “tiền tươi thóc thật”, chứ không phải là dùng đòn bẩy tài chính – chẳng hạn như thế chấp cổ phần ngân hàng này vào nhà băng khác để vay vốn thâu tóm.

Với thị trường, sự kiện thoái vốn triệt để khỏi LienVietPostBank của CTCP Him Lam, ở một giác độ nào đó, đã phát đi tín hiệu về sự đoạn duyên của “đại gia” Dương Công Minh – người sáng nghiệp “đế chế” Him Lam – đối với nhà băng trẻ nhất hệ thống, dù rằng ông Minh chính là người ảnh hưởng và tạo dấu ấn đậm nét nhất trong chặng đường phát triển của LienVietPostBank.

Lưu ý rằng, Him Lam và LienVietPostBank vốn có một lịch sử phát triển và tương hỗ rất sâu sắc. LienVietPostBank là nhà tài trợ vốn – theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp – cho không ít dự án và kế hoạch kinh doanh của các thành viên trong “đế chế” Him Lam.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng củng cố cho những đồn đoán bấy lâu trên thị trường về việc “tham chính” tại Sacombank của ông Dương Công Minh – cựu Chủ tịch LienVietPostBank.

Đáng chú ý, CTCP Him Lam không phải là cổ đông duy nhất thực hiện thoái vốn khỏi LPB. Ít nhất còn hai cái tên khác. Đó là hai cổ đông nội bộ, hai Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng: ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Nguyễn Ánh Vân.

Trong đó, ông Tùng đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu LPB theo phương thức thỏa thuận, từ ngày 29/06 – 28/07/2017, nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu LPB. Còn bà Vân đăng ký bán 120.000 cổ phiếu LPB theo phương thức mua bán trực tiếp, từ ngày 27/06 – 22/07/2017, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Sau giao dịch, dự kiến ông Tùng còn nắm giữ 69.332 cổ phiếu LPB, còn con số đối với bà Vân là 400 cổ phiếu.

Tất nhiên, ông Tùng, bà Vân hay Him Lam là những cổ đông thuộc diện phải báo cáo giao dịch. Còn với các cổ đông không có trách nhiệm công bố thông tin, tình hình chưa rõ ra sao..../.