Thất nghiệp chạy dịch về quê, cần được địa phương trợ giúp, cách ly tối ưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi người dân khánh kiệt phải chạy dịch về quê thì việc cách ly tập trung với chi phí khoảng 400 nghìn/ngày là một gánh nặng quá lớn, cần có phương án trợ giúp hoặc những tính toán hợp lý hơn.
Người dân trên đường chạy dịch về quê. Ảnh: Vietnamnet
Người dân trên đường chạy dịch về quê. Ảnh: Vietnamnet

Trong thông báo của UBND Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn có công khai chi phí phải nộp cho cách ly tập trung. Theo đó, mỗi người nếu ở khách sạn thì thấp nhất là 5.690.000 triêu đồng/14 ngày, ở nhà nghỉ/trạm y tế/trường học thì thấp nhất là 5.270.000 triệu đồng/14 ngày bao gồm cả xét nghiệm. Như vậy trung bình khoảng trên dưới 400 nghìn/ngày.

Trong thông báo có những khoản thu theo chúng tôi là chưa thật thỏa đáng như: mỗi ngày 40 ngàn đồng phục vụ sinh hoạt (nước uống, bàn chải đánh răng, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn, khăn mặt…); 30 nghìn thu gom xử lý rác thải y tế, khử trùng diệt khuẩn; đặc biệt, xét nghiệm (test nhanh) là 230 nghìn. Khi mà giá kit test đã giảm xuống chỉ còn 50-60 nghìn/cái sau khi những thông tin về tăng giá được phanh phui thì tại sao nhiều địa phương vẫn áp mức phí cao đến như vậy?

Như chúng ta đã biết, hầu hết người dân chạy dịch về quê đợt này là từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… do thất nghiệp nhiều tháng nay, bị lâm vào tình cảnh khánh kiệt không thể gắng gượng để bám trụ được nữa; nghĩa là họ về trong tình trạng vô cùng khó khăn, nếu không nói là trắng tay. Ở tình cảnh ấy mà phải chi phí khoảng trên dưới 6 triệu đồng trong vòng nửa tháng cho việc cách ly thì đúng là một gánh nặng quá lớn trên vai người dân.

Nên có phương án hỗ trợ người dân. Tốt nhất là làm như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An… là hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly tập trung cho lao động từ các tỉnh phía Nam trở về.

Nếu không thể hỗ trợ toàn bộ chi phí do nguồn ngân sách khó khăn thì trước hết là giảm chi phí bằng cách áp giá sát hơn với những dịch vụ mà trên thực tế không cao đến mức như trong bảng giá do địa phương này quy định.

Tuy vậy, vẫn cần tính tới các phương án khác. Nếu không thể cho người âm tính với covid cách ly tại nhà thì nên sử dụng một không gian cộng đồng có sẵn ngay tại địa phương ở cấp nhỏ nhất, là thôn (bản) để làm điểm cách ly. Hiện nay trên cả nước, hầu hết các địa phương đều có nhà văn hóa thôn khá rộng rãi, khang trang, lại có không gian sân sá thoáng đãng. Cần trưng dụng những nhà văn hóa này cho công tác cách ly.

Cách ly tại nhà văn hóa thôn có rất nhiều thuận lợi cho phục vụ sinh hoạt và công tác chăm sóc y tế. Phần lớn người dân trở về đều âm tính với Covid, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là dương tính, chỉ cần tách những người dương tính ra và cho cách ly tập trung tại 1 điểm trên địa bàn huyện, còn lại những ai âm tính thì cho về nhà văn hóa thôn. Việc sắp xếp chỗ ăn ngủ khi người dân đã về sát ngay cạnh nhà mình rồi sẽ không thành vấn đề nữa; mọi chi phí sẽ được giảm xuống mức ở tối thiểu. Đó là chưa nói tới việc, nếu chia nhỏ ra, ai ở thôn (bản) nào về thôn đó thì số lượng người cần cách ly sẽ không nhiều, không gây nên quá tải và ít phát sinh các vấn đề bất cập về vệ sinh, về không gian sinh hoạt, và cả những bức bối về tinh thần.

Hầu hết người trở về, dù có dương tính thì vẫn là người khỏe mạnh, hoàn toàn có thể tự sinh hoạt; bộ phận chuyên trách chỉ cần đi chợ mua thực phẩm về giao cho người đang được cách ly, họ sẽ tự nấu nướng, tự sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh. Một phương án như thế chính là nghĩ cho dân vậy.

Dòng người từ phía Nam vẫn đang tiếp tục đổ về, chưa biết khi nào mới chấm dứt; trong khi đó, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thậm chí có thể vài năm nữa xã hội mới trở lại trạng thái bình thường hoàn toàn được; vì vậy, không thể mãi đưa người dân vào khách sạn/nhà nghỉ để cách ly với chi phí quá cao như một số địa phương đang làm. Đó là đẩy người dân một lần nữa vào bước đường cùng giữa lúc họ đang sức tàn lực kiệt.

Trong tình cảnh hiện tại, nếu không thể hỗ trợ chi phí thì sử dụng nhà văn hóa thôn là một giải pháp tốt, không phải chỉ cho lúc này mà còn cần cho cả những thời gian tiếp theo trong tương lai. Bộ Y tế và Chính phủ cũng cần phải có những quy định cứng đối với một số loại hình dịch vụ nhất định, không thể để cho các địa phương tự ý thu tiền một cách chủ quan được.