|
Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào ngày 21/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tổng Bí thư gọi thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” bởi nó tác động trực tiếp tới hạ tầng và nhân lực.
Nếu thể chế kém hiệu quả hoặc bế tắc, nó sẽ cản trở cả việc phát triển hạ tầng và tối ưu hóa nguồn nhân lực. Vậy tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế để thúc đẩy đất nước phát triển bằng cách nào? Đó là vấn đề mà VietTimes đã đặt ra với các chuyên gia.
Chia sẻ với VietTimes, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường, dùng công nghệ số để tạo đột phá trong vận hành hệ thống hành chính và cải cách tòa án là 3 khâu đột phá trong việc tháo gỡ “điểm nghẽn” thế chế.
- Thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, theo Tổng bí thư Tô Lâm. Để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới, như chỉ đạo của Tổng bí thư, thì điều quan trọng nhất hiện nay là cần tháo gỡ cái “điểm nghẽn của điểm nghẽn” này. Tuy nhiên, “điểm nghẽn thể chế” đang được hiểu rất khác nhau. Vậy, theo ông, thể chế là gì?
- Cả anh và tôi đều là những người đam mê bóng đá, và phải thừa nhận rằng Giải Ngoại Anh đang là giải đấu thành công nhất trên thế giới, trên cả trên 2 tiêu chí chính: hấp dẫn về lối chơi, về tính giải trí lẫn giàu có về kinh tế.
Vậy điều gì đã đưa một giải đấu qua mặt La Liga (Giải vô địch Tây Ban Nha), Seria (Giải vô địch Italia), Bundesliga (Giải vô địch Đức) để thành công như vậy? Đương nhiên không thể đơn giản hóa về một vài yếu tố duy nhất; nhưng cá nhân tôi cho rằng, động lực chính nằm ở cách thức phân bổ lại lợi ích đồng đều hơn để tạo ra sự tính cạnh tranh quyết liệt ởPremier League.
Trong hàng chục năm qua, La Liga chỉ có 2 đại gia Real và Barca; Seria có 3 ông lớn (ACMilan, Juventus, Inter); nhưng trong 10 năm gần đây Ngoại hạng Anh không còn “Big four” (TOP 4) nữa mà “Big Six”; rồi hiện nay khoảng 8 đội có thể đua tranh quyết liệt cho nhóm đầu.
Khả năng cạnh tranh tạo ra sự phát triển; và thiết kế “động lực” lợi ích - bằng cách chia đều hơn quyền lợi, trong đó là tiền bản quyền truyền hình là yếu tố tạo động lực chính. Trong khi đó ở La Liga, Barca, Real ngốn phần lớn miếng bánh; rất ít tiền bản quyền cho phần còn lại.
Vậy thể chế là gì? Ở đây, tạm bỏ qua sự phức tạp về chuyên môn của khoa học chính trị. Thể chế trước hết là cách thức thiết kế, tổ chức, vận hành một hệ thống. Nhỏ như một nền bóng đá; thể chế là mô hình tổ chức giải đấu; các cơ quan điều hành; các luật lệ (không chỉ là luật cho một trận bóng đá; mà luật lệ để vận hành cả hệ thống đó). Với một quốc gia 3 yếu tố thể chế chính cho một Nhà nước được tạo thành từ cách ‘thiết kế’ và vận hành quyền lực nhà nước; tổ chức bộ máy và hệ thống pháp luật.
Nói về thể chế, trước hết phải nói về “triết lý” tạo động lực, chi phối sự phát triển của hệ thống đó. Giải Nobel kinh tế năm nay trao cho 2 nhà kinh tế - tác giả của “Vì sao các quốc gia thất bại?”, mà luận điểm cốt lõi là thể chế có tính bao trùm thì giúp quốc gia thành công. Bao trùm là gì? Là lợi ích phân chia hợp lý nhất có thể, tạo động lực tối ưu nhất có thể.
Cơ chế phân chia lợi ích, như tiền bản quyền của Ngoại hạng Anh (đương nhiên tiền bản quyền không phải là duy nhất; nhưng là cốt lõi nhất); tạo động lực lẫn cơ hội cho câu lạc bộ cạnh tranh. Không phải là chia đều miếng bánh; mà chia miếng bánh với tỷ lệ hợp lý nhất. Tính bao trùm - các câu lạc bộ có phần; có cơ hội để vươn lên cạnh tranh, theo nghĩa đó.
Rộng hơn với quốc gia, “miếng bánh” đó là “quyền lực chính trị”, là lợi ích kinh tế. Một thể chế tốt là thể chế tạo sự hợp lý như vậy; để mỗi mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức - có phần lợi ích (có động lực) và cơ hội để vươn lên.
- Vậy còn “điểm nghẽn” của thể chế?
- Điểm nghẽn thể chế là gì? Xét từ góc độ khoa học chính trị và thiết kế chính sách công, thì hàm ý nói đến những điểm bất hợp lý; cản trở động lực phát triển của một đất nước. Quá ưu ái cho doanh nghiệp thân hữu (ví dụ đất đai rơi vào tay doanh nghiệp “sân sau”; “gói thầu” này, kia rơi vào tay doanh nghiệp “có quan hệ” mà không cần cạnh tranh về năng lực; đặc quyền đặc lợi rơi vào một nhóm nhỏ; hoặc trước đây “miếng nạc” rơi vào doanh nghiệp nhà nước (quỹ đất lớn, tín dụng, vốn ngân hàng có sẵn, vận hành không cần tuân thủ pháp luật nhiều quá); “miếng xương” thuộc về doanh nghiệp tư nhân.
Đó là một trong những dạng điển hình của điểm nghẽn. Pháp luật được thiết kế để hiện thực hóa những lợi ích như vậy; hoặc được thực thi theo cách hiện thực hóa những lợi ích như vậy. Ví dụ nóng hổi hiện nay: cố tình dùng quy hoạch, dùng quy định để làm chậm dự án xây dựng nhà chung cư - không có cung; giá nhà lên, tiền chảy vào các nhóm đặc lợi.
- Chúng ta từng rất thành công trong công cuộc “đổi mới” bắt đầu từ năm 1986. Liệu công cuộc “đổi mới” (1986) có là bài học hữu ích cho “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà có người gọi là “đổi mới” lần 2 không, thưa ông?
- Một đất nước, một xã hội - càng phát triển sẽ càng có nhiều nhóm lợi ích; và cấu trúc lợi ích cũng phức tạp hơn. Theo đó cách phân chia lợi ích hoặc đồng thuận để đạt lợi ích sẽ ngày càng khó khăn hơn. 40 năm trước, thiết kế và thực thi thể chế “Đổi mới” dễ hơn; vì độ lớn miếng bánh (quy mô nền kinh tế- xã hội) nhỏ hơn; cấu trúc lợi ích (các nhóm xã hội, nhóm doanh nghiệp, nhóm dân cư) cũng đơn giản và đồng nhất hơn. Sau 4 thập kỷ, dân số 100 triệu người, GDP gấp hàng trăm lần, mạng lưới lợi ích nhằng nhịt hơn… Do đó sẽ không hề dễ dàng.
Tuy nhiên giá trị, tính hữu dụng của “cải cách thể chế lần một” hiện nay đang dần cạn kiệt, trước hết từ 2 góc độ căn bản: bản thân thể chế thị trường chưa được xây dựng đầy đủ; đồng thời, chính thể chế (còn chưa hoàn chỉnh đó) bị các nhóm đặc quyền, đặc lợi (nhóm “lợi ích” xấu) bóp méo và lũng đoạn.
Thứ 2, Việt Nam hiện không còn sống trong “cái ao riêng” của mình nữa, mà phải sống trong biển rộng (thế giới). Đồng thời càng ngày càng phải “tương tác thể chế” với thế giới. Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh “chúng ta không thể sống và làm khác biệt so với thế giới xung quanh”.
Một quốc gia bé hơn, tiềm lực yếu hơn (không áp được sức mạnh và luật chơi lên thế giới); thì thế giới không thay đổi cho giống mình; mà mình phải thay đổi để tương thích với thế giới. Tính “không tương thích” đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh quốc gia.
Tổng hợp một loạt yếu tố như vậy để thấy, “cỗ xe đã hết động lực” và môi trường xung quanh cũng đã thay đổi căn bản; vì thế tôi nghĩ, “Kỷ nguyên vươn mình” không thể thành công nếu không tiếp tục có một “động lực thể chế mới”.
- Nếu chỉ ra một “điểm nghẽn” lớn nhất trong “điểm nghẽn thể chế” hiện nay cần tháo gỡ trước tiên thì nó là gì, theo ông?
- Ở thời điểm hiện nay, doanh nghiệp thân hữu cấu kết với quan chức thoái hóa, biến chất để trục lợi chính sách; bóp méo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường và triệt tiêu hiệu quả phân bổ nguồn lực quốc gia là “điểm nghẽn” thể chế lớn nhất. Nó bóp méo cạnh tranh và phân bổ nguồn lực quốc gia (theo cơ chế thị trường lành mạnh). Các loại “nhân danh lợi ích” (dù là nhân danh lợi ích nhân dân, lợi ích người tiêu dùng), dùng pháp luật để tạo lợi thế – là công cụ để hiện thực hóa “các loại nhân danh” này.
Nhưng xét về mặt kỹ thuật, thì “đột phá thể chế’’ hiện nay cũng khó hơn so với công cuộc “đổi mới” lần 1. Vì thị trường, xã hội phức tạp hơn (sự phức tạp của bản thân nền kinh tế); những tác động từ bên ngoài (tính quốc tế, toàn cầu hóa cao hơn); trong khi đó những người giỏi trong khối Nhà nước (giỏi kỹ trị) dường như ít hơn.
Tóm lại khó trên cả 2 khía cạnh: Lợi ích lớn (hơn thời đổi mới) và nhằng nhịt hơn cộng với năng lực kỹ thuật (con người để tổ chức, để làm luật, để vận hành hệ thống cũng yếu hơn do chảy máu chất xám).
- Vậy chúng ta phải làm như thế nào để thay đổi điều đó?
- Trước khi bàn về thay đổi từ đâu, tôi muốn làm rõ về “thể chế” và pháp luật. Ở đây tôi chỉ muốn bàn về một yếu tố mà nhiều người hay nhầm lẫn rằng “hệ thống pháp luật rối rắm, chồng chéo và cho rằng “sửa thể chế” thì phải sửa pháp luật”. Không sai! Nhưng đó là bước sau.
Như đã nói ở trên, trước hết phải thiết kế được “lợi ích”; “đồng thuận lợi ích” (chia miếng bánh) đã. 40 năm trước, từ chỗ Nhà nước (và doanh nghiệp nhà nước, lực lượng kinh tế nhà nước (dù là hợp tác xã, xí nghiệp, công ty) lấn át tư nhân, tư doanh không được phát triển đến việc Nhà nước chấp nhận thôi không làm thay nữa, không lo hết nữa (tức bỏ bao cấp, không quản hết mọi thứ; mà cho tư nhân phát triển, người dân được tự làm tự ăn, được thành lập doanh nghiệp và chấp nhận nguồn lực đất nước được phát triển và tái phân phối thông qua kinh tế thị trường) là thay đổi thể chế lớn nhất. Đó là quyết định chính trị lớn.
Gỡ điểm nghẽn trước hết phải biết nghẽn cái gì? Cái ta đang bàn ở đây là nghẽn về cách phân chia lợi ích thiếu công bằng, không tạo được động lực cho phát triển. Còn pháp luật chỉ là “cái áo”. Vì thế trước khi nói đến “làm luật”, “cải cách pháp luật”, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, phải bàn đến “thiết kế chính sách”- quan điểm nội dung là cái cần đồng thuận trước, “hình thức pháp luật” là cái đi sau.
- Ông có thể nêu một thí dụ cụ thể không?
- Ví dụ về “phân chia lợi ích đất đai”: chỉ cần chuyển đất ruộng thành đất thương mại, đô thị là có nhóm lấy “siêu lợi nhuận”, bên cạnh lại có nhóm ra “Vườn hoa Mai Xuân Thưởng” kêu cứu và khiếu kiện. “Miếng bánh” chuyển đổi đất đai là tiến trình phân chia lợi ích. Luật Đất đai với các điều khoản chỉ để “cụ thể hóa” cách làm đó.
Luật Đất đai vừa qua, tốn rất nhiều tiền bạc để “sửa kỹ thuật” nhưng không phải là thay đổi thể chế đột phá. Vì “cơ chế” chia lợi ích (tài nguyên của quốc gia; tài sản của người dân thông qua chuyển đổi đất) vẫn như vậy.
Một ví dụ khác: “Đánh thuế tài sản bất động sản” là phân chia lại lợi ích, điều tiết một phần lợi ích về tay nhà nước để “tái’’ chia lại lần nữa. Chống đầu cơ bằng thuế, nhưng như thế là đánh vào lợi ích những người đang nắm nhiều “bất động sản” nhất. Còn muốn làm được phải có “ý chí” chính trị để chia lại bánh và điều chỉnh “pháp luật” - thuế tài sản (nhiều nhà, nhiều đất thì thuế cao) là công cụ để thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó có tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, kiên quyết chống “lợi ích nhóm”. Do đó cải cách thể chế, dù nhỏ nhất, đều là phân chia lợi ích và phân chia lợi ích là “quyết tâm chính trị”.
- Ta vừa bàn đến “điểm nghẽn” thể chế, giải pháp tháo gỡ. Vậy cái gì cần tháo gỡ trước tiên để tạo ra bước đột phá, không thể đồng loạt “ra trận” tấn công vào “điểm nghẽn thế chế” chung chung được?
- Thay đổi từ đâu là câu hỏi đầy hóc búa. Cần thừa nhận hiện nay “cỗ máy” thể chế vẫn đang vận hành. Về mặt chiến thuật, cần phải tìm được một điểm “đột phá” đầu vào có thể tạo ra thay đổi lớn, chứ không phải là “tấn công” vào mọi yếu tố thể chế.
Một điểm tạo ra lợi thế “đòn bẩy” và dồn quyết tâm chính trị vào đó. Cá nhân tôi cho rằng, có 3 “điểm” (entry points) như sau: Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Hai là dùng công nghệ số để tạo đột phá hệ thống tổ chức và vận hành nền hành chính; Ba là cải cách tòa án và tư pháp.
Dù bắt đầu từ đâu, thì mọi cải cách thể chế đều là tiến trình chính trị. Chính trị là tạo đồng thuận để đạt được những mục tiêu có thể đạt (không ai biết chia thế nào là công bằng cả; chỉ là làm sao mọi người đều có phần mình và vui vẻ với phần mình, để còn động lực đi tiếp).
Năng lực lãnh đạo của người đứng đầu là thương lượng chính trị để các bên đều đồng thuận và đi tiếp.
- Xin cám ơn ông!