Thành phố của Trung Quốc đề xuất xếp hạng người dân dựa trên hệ thống “điểm y tế“

VietTimes – Hãy tưởng tượng có một ứng dụng di động có quyền tiếp cận y bạ của một người và chấm điểm số dựa trên tình trạng sức khỏe, các đợt kiểm tra sức khỏe và thói quen trong cuộc sống của người này...được chính quyền một thành phố ở Trung Quốc áp dụng.
Một tài xế chưng mã QR xanh để được phép vào một tòa chung cư ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Một tài xế chưng mã QR xanh để được phép vào một tòa chung cư ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Những thói quen hàng ngày của một cá nhân - như lượng rượu mà họ uống, số lượng thuốc lá mà họ hút, thời lượng tập luyện thể thao và ngủ - giờ có thể ảnh hưởng tới điểm số hàng ngày của họ, giúp họ tăng hoặc khiến họ giảm điểm xếp hạng. "Điểm sức khỏe" sẽ được gắn với mã QR có thể xem trực tiếp trên điện thoại di động.

Đó là điều mà chính quyền thành phố Hàng Châu ở phía Đông Trung Quốc đang lên kế hoạch áp dụng cho hơn 10 triệu người dân, lấy cảm hứng từ hệ thống "mã y tế" mà họ từng áp dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành để đánh giá người dân dựa trên nguy cơ lây nhiễm của họ.

Trên khắp thế giới, chính phủ nhiều nước đã tăng cường thu thập dữ liệu cá nhân trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới - hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 345.000 người và khiến 5,5 triệu người nhiễm; theo Đh Johns Hopkins. Tuy nhiên, có nhiều quan ngại rằng một số biện pháp quá hà khắc có thể vẫn được áp dụng ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã qua đi, gây ảnh hưởng tới sự riêng tư của người dân.

Mối quan ngại này càng trở nên rõ ràng hơn trong cộng đồng người dân Hàng Châu khi vào hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền thành phố này tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch sử dụng vĩnh viễn một phiên bản của ứng dụng "mã y tế" từng được áp dụng trong bối cảnh dịch COVID-19.

Kể từ tháng 2 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một hệ thống "mã y tế", dựa trên màu sắc, để quản lý việc di chuyển của người dân và ngăn chặn đà lan của virus corona chủng mới. Những đoạn mã, được sinh ra tự động, được chuyển tới điện thoại di động của người dân như một chỉ số trạng thái sức khỏe của họ. Màu sắc của đoạn mã - đỏ, xanh hoặc màu hổ phách - quyết định xem liệu một người có thể rời khỏi nhà, tham gia giao thông công cộng hay đến những nơi công cộng hay không.

Mã y tế còn được sử dụng để theo dõi sự di chuyển của người dân, bởi khi đi đến những nơi công cộng mã QR của họ sẽ được quét. Một khi có người được xác nhận nhiễm COVID-19, chính quyền sẽ nhanh chóng truy vết nhận dạng, nơi mà bệnh nhân từng đến và những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân.

Thiếu ngủ, uống rượu: Trừ điểm!

Hình ảnh mô tả hệ thống chấm điểm y tế cho người dân ở Hàng Châu (Ảnh: CNN)
Hình ảnh mô tả hệ thống chấm điểm y tế cho người dân ở Hàng Châu (Ảnh: CNN)

Hàng Châu, một thành phố ven biển cách Thượng Hải khoảng 100 dặm về phía Tây Nam, là một trong số các thành phố đầu tiên áp dụng hệ thống mã y tế để quyết định xem nhóm người nào sẽ bị cách ly. Nhưng hiện tại, chính quyền thành phố nói rằng họ muốn "mã y tế" được "bình thường hóa" - có nghĩa rằng nó sẽ được áp dụng kể cả sau đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc họp Ủy ban Y tế Hàng Châu tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước, ông Sun Yongrong - Giám đốc ủy ban - nói rằng họ đang tìm cách thiết lập một hệ thống có thể đưa ra điểm số, màu sắc tương ứng và xếp hạng cho công dân dựa trên dữ liệu về tiền sử khám chữa bệnh, các đợt kiểm tra sức khỏe và thói quen thường nhật của từng cá nhân.

Một hình ảnh thể hiện thiết kế của hệ thống này cũng được đăng tải trên website chính thức của ủy ban, trong đó cho thấy điểm số hàng ngày dao động từ 0 - 100, màu sắc tương ứng dao động từ đỏ đến xanh.

Điểm số chịu ảnh hưởng từ chính các hoạt động thường nhật của một cá nhân: 15.000 bước đi bộ hàng ngày sẽ giúp tăng 5 điểm, uống 200 ml rượu bạch tửu sẽ bị trừ 1,5 điểm, hút 5 điếu thuốc lá bị trừ 3 điểm, ngủ 7,5 giờ đồng hồ sẽ thêm 1 điểm...

Ngoài ra còn có "điểm y tế theo nhóm" áp dụng với các công ty hay ủy ban nhân dân, ông Sun nói. Điểm số của một công ty dựa trên những yếu tố như: Thời lượng mà nhân viên công ty luyện tập thể thao và ngủ mỗi ngày, bao nhiêu nhân viên kiểm tra sức khỏe hàng năm, và các chứng bệnh kinh niên của nhân viên được kiểm soát tốt hay không.

Ông Sun không nêu chi tiết về cách thức thu thập dữ liệu, ứng dụng trên có phải bắt buộc sử dụng hay không, hay điểm số sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân, doanh nghiệp như thế nào...Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều chỉ trích và sự phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó nhiều người quan ngại về sự riêng tư cá nhân.

Đề xuất gây tranh cãi

Người dân được kiểm tra mã QR y tế trước khi đi vào một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh ngày 3/5 (Ảnh: CNN)
Người dân được kiểm tra mã QR y tế trước khi đi vào một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh ngày 3/5 (Ảnh: CNN)

"Tiền sử bệnh, giấy khám sức khỏe là những thứ mang tính chất cá nhân, tại sao chúng lại được gom vào mã y tế để chưng ra? Điểm số cũng bị giảm nếu hút thuốc, uống rượu và không ngủ đủ giấc...điều này có nghĩa rằng cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn bị kiểm soát?" - một người dùng mạng xã hội Weibo phàn nàn.

"Trong bối cảnh đại dịch, chúng ta không có lựa chọn nào khác, nhưng tôi hy vọng sau đại dịch, mỗi cá nhân đều có quyền xóa ứng dụng này, thay vì bình thường hóa việc sử dụng nó" - một người dùng khác bình luận.

Đề xuất trên cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng ứng dụng rộng rãi. Trên mạng xã hội Zhihu, một số người dùng tỏ quan ngại rằng ứng dụng trên có thể bị các công ty bảo hiểm hay tiếp thị lợi dụng, trong khi người khác lo rằng nó có thể dẫn tới tình trạng phân biệt đối với những người có điểm số thấp.

Đề xuất áp dụng điểm y tế này cũng có nhiều điểm tương đồng với hệ thống chấm "điểm tín nhiệm" công dân ở Trung Quốc, một dự án đầy tham vọng sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và kết hợp cả những phần thưởng lẫn hình phạt để khuyến khích người dân ứng xử tốt.

Hàng Châu, được xem là trung tâm thương mại điện tử của Trung Quốc và là nơi có tập đoàn Alibaba, luôn đi tiên phong trong ứng dụng big data và công nghệ số để quản lý đô thị. Ở thời điểm này, không ai rõ liệu đề xuất áp dụng điểm y tế có được phê duyệt và rồi được ứng dụng rộng rãi toàn quốc hay không.

Một số cư dân mạng Trung Quốc, tuy nhiên, đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch này, chỉ ra những khó khăn về mặt kỹ thuật như làm thế nào để chuyển tình trạng sức khỏe của một cá nhân thành điểm số, hay tìm ra một thuật toán hoạt động được.

Theo CNN