Thanh Hóa: 5 trụ cột, 6 hành lang, 4 trung tâm động lực để phát triển kinh tế!

VietTimes –5 trụ cột, 6 hành lang, 4 trung tâm động lực để phát triển kinh tế, cùng với các khâu đột phá huy động mọi nguồn lực là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựngThanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.
Một góc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đề án xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định: Phát triển Thanh Hóa thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh của khu vực và cả nước, đồng thời, xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương giữ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia , đáp ứng cho sự phát triển kinh tế và quốc phòng; Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh , đồng thời phát triển kinh tế theo 5 trụ cột để sớm đưa Thanh Hóa đạt được các mục tiêu trở thành "tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa đang khẩn trương xây dựng

5 trụ cột thúc đẩy kinh tế xứ Thanh phát triển bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; y tế; nông nghiệp; phát triển hạ tầng. Cùng với phát triển 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế, là khai thông và tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Băc - Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm; hành lang kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn (nội lực và ngoại lực) cho đầu tư phát triển. Để huy động được các nguồn lực, Thanh Hóa tập trung khắc phục những yếu kém, hạn chế, nâng cao thứ, hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX); phấn đấu các chỉ số đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kiểm tra công tác phòng chống dịch và sản xuất tại doanh nghiệp

Hạt nhân trong việc phát triển 5 trụ cột, 6 hành lang là 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Trung tâm kinh tế động lực Tp Thanh Hóa - Sầm Sơn với phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ cao, du lịch biển, du lịch văn hóa, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn) với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành) tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến chế tạo, chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, da giầy, dịch vụ, du lịch; Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao, du lịch di sản.

Xác định những nội dung cốt lõi của việc tập trung phát triển kinh tế theo "5 trụ, 6 hành lang, 4 trung tâm" cho thấy tầm nhìn chiến lược và toàn diện của Thanh Hóa, có thể tóm tắt trong 6 nội dung cụ thể sau.

Thứ nhất là tầm nhìn chiến lược và định vị chiến lược phát triển. Thứ 2 về lựa chọn đột phá sáng tạo nhằm phát triển toàn diện nhanh và bền vững. Thứ 3 về lựa chọn, xây dựng hệ động lực nhằm tạo sự bứt phá phát triển bao trùm nhanh và mạnh mẽ. Thứ 4 về đổi mới các cơ chế quản lý và vận hành nền kinh tế - xã hội. Thứ 5 là về mục tiêu và động lực yên dân và chăm lo đời sống toàn diện của nhân dân - công việc gốc rễ quyết định đến mọi thành bại trong phát triển. Và, thứ 6 là tôn trọng và bảo vệ các lợi ích hợp tác, hội nhập, để tất cả cùng phát triển.

Ngược thời gian tính từ năm 2016 đến trước Đại hội lần thứ XIX tháng 10.2020, Thanh Hóa đã thu hút gần 910 dự án đầu tư trực tiếp (55 dự án FDI) tăng trưởng với tổng vốn đầu tư được đăng ký trên 96.000 tỉ đồng và 3.405 triệu USD, đứng trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 ngàn tỉ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%.

Bước vào giai đoạn 2020 đến nay, bên cạnh những thuận lợi, đặc biệt là sự quan tâm của TƯ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58, ngày 5.8.2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. và sau đó, ngày 13.11.2021, Quốc hội đã có Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, thể chế hóa cao nhất, sinh động nhất Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, tạo ra xung lực mới để tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.

Khởi công Khu du lịch sinh thái Tân Dân (Nghi Sơn)

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngay năm đầu thực hiện Nghị quyết 58, Thanh Hóa cũng như cả nước phải đối mặt với khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua khi đại dịch Covid - 19 "tàn phá" nặng nề. Đây là "phép thử" vô cùng khốc liệt khi Thanh Hóa bước vào năm đầu tiên thực hiện nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, bởi "đầu có xuôi, đuôi mới lọt".

Vì thể, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Vừa chống dịch quyết liệt, vừa chớp "thời gian vàng" thúc đẩy sản xuất.

Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện nghị quyết 58 (2021) trong muôn vàn khó khăn, tỉnh Thanh Hóa đã luôn thể hiện bản lĩnh "vượt khó" đạt được những thành quả rất ấn tượng có thể gọi đó là kỳ tích. Năm 2021 có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 8,85% nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt thu ngân sách đạt xấp xỉ 40.000 tỉ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 5,339 tỉ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước tới nay (8.368,8 tỉ đồng) và đứng 2 cả nước. Thành lập mới hơn 3.600 doanh nghiệp, đứng thứ 4 cả nước...

Một năm đầy khó khăn, thử thách, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua để lại những dấu ấn khá đậm nét trên nhiều lĩnh vực: công tác phòng chống dịch Covid - 19 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bài bản, sáng tạo, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, hạn chế tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội; nhiều tiêu chí kinh tế có bước đột phá; khởi công nhiều dự án lớn, trọng điểm như: dây chuyền 4 Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy xi măng Đại Dương 2, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, Khu du lịch sinh thái Tân Dân, thị xã Nghi Sơn, Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Nga Sơn, Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen (Quảng Xương)...

Phối cảnh dự án khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương)

Hy vọng, năm 2022 Thanh Hóa tiếp tục giữ vững "phong độ" để làm nên những điều kỳ diệu "đi nhanh" hơn nữa trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước...