Thách thức từ Trung Quốc có thể giúp các nước thành viên NATO xích lại gần nhau

VietTimes -- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trở nên ngày càng chia rẽ, nhưng một siêu cường ở Thái Bình Dương lại có thể kéo các nước thành viên trong khối đồng minh quân sự này xích lại gần nhau hơn.
NATO đang ngày càng chia rẽ vì hàng loạt vấn đề liên quan tới lợi ích của các nước thành viên (Ảnh: FT)
NATO đang ngày càng chia rẽ vì hàng loạt vấn đề liên quan tới lợi ích của các nước thành viên (Ảnh: FT)

Phát biểu nhân hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại London, Anh để đánh dấu lần sinh nhật thứ 70 của khối này, Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg nói rằng toàn khối cần phải bắt đầu chú ý tới tới việc “Trung Quốc đang tiến gần hơn tới chúng ta”.

“Chúng ta thấy họ ở Bắc Cực, chúng ta thấy họ ở châu Phi, chúng ta họ đang đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ ở châu Âu và đương nhiên đầu tư cả trên không gian” – ông Stolenberg nói về Trung Quốc, thêm rằng ông không nói về việc “xoay chuyển NATO sang vấn đề Biển Đông”.

Những bình luận mà ông Stolenberg đưa ra xuất hiện giữa lúc mà cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong khối NATO.

“Chết não”

Trong bài phát biểu hồi tháng trước, Tổng thống Macron từng cảnh báo rằng NATO đang có nguy cơ “chết não” do sự thờ ơ của nước Mỹ đối với khối đồng minh này. Trước đó ông Trump từng mô tả NATO là “lỗi thời”. Lãnh đạo Pháp còn đặc biệt chỉ trích quyết định rút khỏi Syria của chính quyền Washington, bỏ mặc các đồng minh người Kurd trước chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Các bạn có nhiều đối tác ở trong cùng một phần của thế giới, nhưng lại không có sự hợp tác nào, bất chấp việc đưa ra quyết định chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh NATO” – ông Macron nói.

Trước khi đến London để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Trump đã gọi những bình luận mà lãnh đạo Pháp đưa ra là “tục tĩu” và “xúc phạm”, trong khi các nhà lãnh đạo khác đưa ra chỉ trích ở mức kiềm chế đối với ông Macron.

Màn tranh cãi nảy lửa này đã phơi bày căng thẳng trong khối NATO, giữa một bên là các thế lực ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức và Pháp, và bên còn lại là ông Trump, người thể hiện quan điểm hoài nghi EU một cách công khai.

Sự việc trên cũng làm dấy lên câu hỏi rằng, chính xác thì mục tiêu của NATO trong năm 2019 là gì và tầm ảnh của một thành viên đối với chính sách quân sự của các thành viên khác trong khối lớn đến mức nào.

NATO được thành lập trong Chiến tranh Lạnh với mục đích đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu, nhưng giai đoạn đó đã qua đi và cái mà Mỹ hay gọi là “mối đe dọa từ Nga” rõ ràng không thể sánh bằng so với trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo truyền thống của NATO, các thành viên được dẫn dắt bởi các ưu tiên mà Mỹ đặt ra, điều này phản ánh vai trò to lớn của quân đội Mỹ trong bất kỳ chiến dịch nào. Lần duy nhất mà NATO phải kích hoạt Điều 5 – quy định rằng đòn tấn công nhằm vào một nước là nhằm vào tất cả - là vào sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Sau sự kiện này, NATO tiếp quản vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, và trong bài phát biểu hồi tháng trước, Tổng thống Macron cũng nhắc lại điều này như mục đích tồn tại chính của khối này trong thời điểm hiện nay.

“Nhiều lúc tôi nghe một vài người nói rằng mục tiêu của NATO là Nga hay Trung Quốc, địch thủ của chúng ta? Tôi không nghĩ vậy. Kẻ thù chung của chúng ta, rõ ràng nằm trong khối, là chủ nghĩa khủng bố đã tấn công đất nước chúng ta” – ông Macron nói.

Theo quan điểm của ông Macron, việc gây bất ổn ở miền Bắc syria bằng cách bỏ mặc người Kurd rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ - khiến hàng trăm thành viên của tổ chức khủng bố IS trốn thoát – rõ ràng là hành động đi ngược lại ưu tiên của NATO.

Đối thủ mới ở Thái Bình Dương

Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg công nhận thách thức từ Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg công nhận thách thức từ Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Nhưng trong lúc ông Macron còn do dự về việc xem Trung Quốc như một bên địch thủ, cả ông và ông Trump đều kêu gọi có thêm hành động để cân bằng sức mạnh đang tăng dần của Bắc Kinh. Trong những bình luận đưa ra hồi tháng trước, ông Macron cho rằng Washington đang xa cách châu Âu ngay trong lúc mà châu lục này đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ phía Trung Quốc, trong khi ông Trump cũng đưa ra quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.

Nếu NATO không “lỗi thời” như lời ông Trump nói, Trung Quốc có lẽ chính xác là kiểu đối trọng mà khối này cần có để chứng minh với các nước thành viên rằng NATO vẫn còn có giá trị.

Quân đội Trung Quốc ngày càng được củng cố về mặt sức mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi chính quyền Bắc Kinh cũng tăng cường vận dụng sức mạnh kinh tế ở khu vực Thái Bình Dương và Trung Á thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.

Việc lựa chọn chính sách để đối phó với Trung Quốc đã làm rối trí giới lãnh đạo EU, trong khi một số nước thành viên – đặc biệt là Italy, một thành viên NATO – vui vẻ tiếp nhận nguồn đầu tư tài chính dồi dào của Bắc Kinh.

NATO bao gồm 29 nước thành viên, và có vô số nước đối tác, trong đó bao gồm một số nước – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia – từ lâu đã tìm cách cân bằng cán cân sức mạnh với Trung Quốc trong khu vực. Thế nhưng Trung Quốc trước đây chưa từng nằm trong các kế hoạch của NATO.

Về phần mình, ông Stelenberg nhấn mạnh rằng việc tái định hướng lại mục tiêu nhằm vào Trung Quốc không phải là hành động thách thức Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương – dù cho nhiều nước thành viên và đối tác của NATO đã làm vậy – mà là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 11 vừa qua, ông Stolenberg nói rằng: “Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và điều đó ảnh hưởng thế nào tới an ninh của chúng ta, xét về cả cơ hội và thách thức”.

“Trung Quốc sẽ sớm sở hữu nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và hiện nay ngân sách quốc phòng của họ đã đứng vị trí thứ hai, liên tục đầu tư mạnh tay để phát triển các khả năng quân sự mới” – ông Stolenberg nói.

“Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã thêm 80 tàu và tàu ngầm vào biên chế hải quân – con số tương đương với toàn hạm đội của hải quân Hoàng gia Anh. Họ có hàng trăm tên lửa với tầm bắn từng bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Mới đây họ còn cho ra mắt một tên lửa hạt nhân liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ và châu Âu. Đó là chưa kể một mẫu tên lửa hành trình siêu thanh mới, hàng loạt drone mới, các tên lửa chống hạm và tên lửa siêu thanh” – ông Stolenberg nói thêm.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ (Ảnh: Getty)
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ (Ảnh: Getty)

Tổng thư ký NATO còn nhấn mạnh rằng thách thức từ Trung Quốc còn vượt ngoài lĩnh vực quân sự: “Trung Quốc đang trở thành nước tiên phong trong phát triển công nghệ mới. Từ 5G cho tới công nghệ nhận diện khuôn mặt; từ máy tính lượng tử cho tới việc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ trên toàn cầu”.

Trong năm nay, Washington đã lên tiếng kêu gọi các nước đồng minh chặn tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào các dự án mạng 5G, chỉ ra nhiều quan ngại về an ninh.

Giới lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ký một tuyên bố chung để công nhận về “cơ hội và thách thức” từ Trung Quốc. Dù cụm từ này không mạnh mẽ như một số nước thành viên mong muốn, nhưng dù sao nó cũng là một lĩnh vực hiếm hoi giúp các nước thành viên của NATO đoàn kết, thay vì chia rẽ.

Đầu năm nay, Ngoại trưởng Đức từng nói rằng “Trung Quốc là một thách thức trong gần như mọi chủ đề, và việc quan trọng hiện nay là phải hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của sự việc này đối với NATO”.

Anh và Canada – cả hai đều là các thành viên quan trọng của NATO – cũng đang đưa ra những quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Anh từng bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biểu tình ở Hong Kong cùng vụ một nhân viên lãnh sự Anh bị Trung Quốc bắt giữ; trong khi 2 công dân Canada vẫn đang bị giam giữ ở Trung Quốc sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu.

Hôm đầu tuần này, Nga cũng chính thức khởi động đường ống dẫn khí khổng lồ trị giá hàng tỷ USD nối tới Trung Quốc, như một minh chứng cho mối quan hệ kinh tế-chính trị ngày càng tăng giữa một nước là địch thủ truyền thống của NATO và một nước là đối thủ trong thế kỷ 21.

(Theo CNN)