Tay không vồ chuột nối nghiệp cha ông…

VietTimes -- Tiếp chúng tôi trong căn lều dựng làm nhà ở, tận tít cánh đồng giáp sông Văn Úc ở thôn Tú Đôi, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng ông Đào Văn Tháp bảo: “Tôi vẫn tay không vồ chuột rồi bẻ răng như các cụ xưa vẫn làm mà có bị nó cắn đâu”…
Ông Đào Văn Tháp "biểu diễn" tay không bắt chuột.
Ông Đào Văn Tháp "biểu diễn" tay không bắt chuột.

Ngày bắt khoảng từ 20 - 30 kg

Trong căn lều tứ phía là ruộng và ao đấm, ông bảo, vào vụ theo hợp đồng ông vồ được khoảng  20 - 30kg chuột có hôm tới 40kg. Bắt được con nào là tôi bẻ ngay hai răng dưới của nó vì nếu không bẻ khi cho chúng vào lồng chúng cắn chết nhau lũ gặm nhấm mà. 

Đứng thêm một lúc, ông bảo cậu con trai lấy cho chúng tôi xem đồ nghề bắt chuột của ông… Thấy tôi băn khoăn ông không đi găng vồ chuột để tránh bị chuột cắn mà sinh bệnh, ông đáp, không cần nhà tôi mấy đời bắt chuột rồi dạy nhau nên chỉ cần tay không cũng vồ được chuột bán lấy tiền nuôi con ăn học. Cứ đến vụ là tôi đi bắt chuột, chuột “thỏ đồng” là đặc sản rất nhiều người muốn chén. Tôi cứ bắt về giao cho lái buôn họ mang đi bán cho các nhà hàng cả ở trên Hà Nội…

Nói rồi ông bảo cậu con trai mang con chuột ra cho ông vồ tay không cho khách xem…

Nối nghiệp cha ông

Ông Đào Văn Tháp là con ông Đào Văn Hạo,người cả làng đều biết là ông Hạo là con nghệ nhân bắt chuột Đào Văn Xướng đi khắp nơi như Quảng Ninh, Hà Nam… lấy tiền nuôi 7 người con. Ông Tháp một thời được xã Đại Đồng huyện Kiến Thụy thuê bắt chuột để sạch đồng ruộng bảo vệ mùa màng mà không phải dùng thuốc vì dùng thuốc ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người…

Ông Đào Văn Tháp, ở thôn Tú Đôi, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Ông Đào Văn Tháp, ở thôn Tú Đôi, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Rồi cái lần ông đi bắt chuột ở Đại Đồng huyện Kiến Thụy không may bị hỏng xe lại cho ông cơ hội may mắn nên duyên với một cô gái. Hai người kết duyên vợ chồng nay đã có tới 3 người con…

Ông bảo, ông mê nghề bắt chuột lắm vì được người bố từng trốn nhà xung phong đi bộ đội cảm tử ở Đường 9 Nam Lào, rồi tham gia đánh bọn Pôn Pôt ở Campuchia. Mẹ ông là cô gái quê ở Vĩnh Phúc đi thanh niên xung phong làm đường cho quân giải phóng. Hai người gặp nhau ở Ngã Ba Đồng Lộc rồi nên vợ nên chồng. Thế thôi cũng đủ để ông nghe lời cha mẹ giữ nghề bắt chuột để bảo vệ mùa màng và truyền thống gia đình.

Cách đây mấy năm, một xã ở Hải Phòng bị 'giặc chuột' tàn phá trên 150ha lúa. Theo phản ánh của bà con nông dân thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, thì trên 150ha lúa của bà con nguy cơ gần như mất trắng vì lũ chuột.

Một nông dân có 5 sào ruộng ở khu vực này bị chuột cắn phá, bà xót xa chia sẻ: “Vụ mùa những năm trước  lũ chuột cũng phá, 5 sào lúa thu về được chưa đầy 1 tạ thóc. Quá nhiều chuột. Chúng tôi có dùng thuốc của địa phương cấp để đánh chuột mà chả ăn thua gì, căng nilon để ngăn thì chúng cũng cắn xé rách ra, chui vào ăn lúa, tôi đổ cả dầu luyn xung quanh bờ mà vẫn không ngăn được…”.

Cực chẳng đã bà con tổ chức đi đào bắt chuột nhưng cũng không xuể, vì đang là mùa nước lớn, chuột sinh sản nhiều vô kể... Ông Tháp lại được dân “thuê” bắt chuột.  Ông lại tay không vồ chuột . Sau khi bắt chuột bẻ răng, ông cắt đuôi giao nộp lấy tiền công. Cách tính con chuột của người nông dân rất hay vì chuột cắt đuôi vẫn là thịt chuột đồng “đặc sản”.

Nổi tiếng nhờ… chuột

Làng Tú Đôi vốn dĩ nổi tiếng bởi nhiều thứ, nào nghề đánh bắt thủy sản nước lợ với những quái sản như tôm rảo, rươi, cá lác, cáy hôi… đến đặc sản một thời hút khách như rắn, ba ba, nhệch…

Nhưng trong số ấy chẳng món nào sánh được với thịt chuột. Chẳng biết người làng Tú ăn thịt chuột từ bao giờ, là tục này có từ lâu lắm rồi, mà chỉ là món luộc…”.

Cánh đồng lúa ở Hải Phòng là nơi cư ngụ của hàng ngàn con chuột đồng đặc sản
Cánh đồng lúa ở Hải Phòng là nơi cư ngụ của hàng ngàn con chuột đồng đặc sản

Người làng Tú Đôi mê chuột đến nỗi, đám cưới mà không lo được món chuột thì xem như không sang. Chuột được người làng chế làm nhiều món “nem chuột”, “gỏi chuột” và cả “giò chuột” cho ngày tết.  Có lẽ thế nên từ lâu câu ca “Làng Tú anh hùng nuôi chuột đỏ, khoai lang bóc bỏ nhắm với chuột con” đã được truyền tụng.

Mê thịt chuột thế nhưng thực ra dân làng Tú Đôi khảnh ăn lắm. Mỗi năm chỉ có hai tháng vụ lúa mùa món này mới được lên mâm, và duy nhất chỉ có loại chuột đồng. Vì mùa này chuột thay lông ăn nhiều thóc tích mỡ chống rét nên con nào cũng béo, hơn nữa chúng kiếm ăn xong là chỉ ở hang, mượt mà sạch sẽ.

Chuột  được dân làng bắt về, nhúng vào nước nóng vừa độ, lột sạch lông, mổ bụng moi nội tạng, cắt “quả hoi” hai bên “háng”, luộc chín vào cuối giờ chiều, ướp lá dé hong trên manh tre để qua đêm.

Hôm sau thịt chuột đanh lại, chặt từng miếng vuông vức bày ra đĩa, thái lá chanh tươi rắc lên trên, muối trắng dầm ớt đỏ, rượu nếp cất từng chai… Ấy mới là truyền thống.

Nhưng người làng Tú Đôi không phải ai cũng giỏi săn chuột, cả làng cũng chỉ có vài chục nhà kiếm sống được nhờ nghề này. Khi vụ chuột đến, nhất là những năm thịt chuột đắt đỏ thì mỗi buổi ra đồng kiếm được vài kg đã được tiền triệu.

Mỗi hang chuột có mấy thế hệ, động cửa hang thì chỉ có con mẹ chạy lên tổ con, còn các con khác dẫn nhau chạy ngay sang ngách thoát nạn, cửa chính may chỉ còn con bố già nhất thôi.

Do sau khi thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 10 âm lịch, chuột đồng ăn lúa rất béo nên người dân các xã như Kiến Quốc... đồng loạt ra đồng bắt chuột về ăn và bán nên số lượng chuột còn tồn tại rất ít, do vậy vụ chiêm tránh được sự phá hoại của chúng, năng suất lúa cao hơn.

Chiến tích sau một buổi ra đồng bắt chuột
Chiến tích sau một buổi ra đồng bắt chuột

Không biết từ bao giờ, người làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng có nghề bắt chuột và thú ăn thịt chuột! Họ không dùng chó săn, cũng chẳng dội nước hay hun khói như ngày trước.

Thấy hang nào có nhiều vết chân, tức có chuột bên trong thì căng lưới rồi lấy thuổng đào tận tổ.

Trải qua nhiều chục năm, bắt chuột đã trở thành một nghề phụ của làng. Cứ mỗi độ cuối năm, khi vụ mùa đã gặt xong, cả trăm trai tráng mỗi sáng sớm ra lại lên đường đi săn chuột.

Thấy hang nào có nhiều vết chân, tức có chuột bên trong, thì căng lưới rồi lấy thuổng đào tận tổ. Chuột chạy ra, sa lưới và bị người ta tóm sống từng con bỏ vào rọ mang về. Chính vì “chuyên nghiệp” như thế nên nghề bắt chuột đồng để làm thịt đem bán ở chợ đã khiến Tú Đôi được gọi là “làng chuột” của đất Hải Phòng.

Chuột gieo rắc 35 loại bệnh truyền nhiễm. Chuột có thể lây một số bệnh như dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết... sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cắn, bằng thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm hoặc từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve.

Với bản năng gặm nhấm liên tục và tốc độ sinh sản nhanh chóng, chuột được xem như là động vật gây hại hàng đầu đối với đời sống và sinh hoạt của người. Chuột cũng là ổ chứa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trò chuyện với ông Tháp và người dân làng Tú Đôi, chúng tôi rất ấn tượng với nghề bắt chuột và cách tính con chuột bằng đuôi của họ và họ còn  bảo, mỗi con chuột chỉ có một cái đuôi thôi cắt đi lá hết đâu như lũ chuột tham nhũng đục khoét của dân mà báo đài vẫn nhắc, chúng giấu diếm và có con  còn rất nhiều đuôi…