Tảo bí ẩn làm “biến mất” các rạn san hô ở đảo Hawaii

VietTimes – Loài tảo mới được phát hiện là nguyên nhân khiến các rạn san hô ở đảo Hawaii bị "biến mất". Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của chúng để có thể kiểm soát tình trạng này.
Một rạn san hô ở đại dương. Ảnh: Nasa
Một rạn san hô ở đại dương. Ảnh: Nasa

Loài tảo Chondria tumulosa, được phát hiện ở Hawaii là nguyên nhân làm mờ các rạn san hô, trở thành mối đe dọa đối với các hệ sinh thái đại dương trong khu vực. Nó được tìm thấy ở các mẫu nước lấy năm 2016 và 2019, trong các cuộc khảo sát của Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuākea (PMNM).

Theo thông tin từ tờ Dân trí, trong cuộc khảo sát đầu tiên, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) thấy một loài tảo đỏ hình thành và tăng trưởng như thảm trải rộng trên vài mét vuông. Sau đó, nó lan ra khắp phía bắc, phía đông và phía tây của rạn san hô Pearl và Hermes, đạt đến mức báo động.

Rạn san hô Pearl và Hermes là một phần của PMNM - di sản thế giới bao gồm diện tích khoảng 938.000 km vuông. Nó bao gồm các đảo nhỏ, đảo san hô, rạn san hô xung quanh khoảng 724.000 km vuông, là nơi sinh sống của nhiều loài bọt biển và san hô.

Các loài tảo mới đang làm mờ các phần của rạn san hô tại Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuākea (PMNM). Ảnh: News Week
Các loài tảo mới đang làm mờ các phần của rạn san hô tại Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuākea (PMNM). Ảnh: News Week

Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát mới nhất, các loài tảo mới đang làm mờ các phần của rạn san hô. Theo một nhà nghiên cứu từ trường Cao đẳng College of Charleston (Hoa Kỳ), đây là loài có sức tàn phá cao, cần phải biết rõ nguồn gốc để có thể kiểm soát.

Qua phân tích các mẫu, các nhà khoa học nhận thấy loài tảo mới thuộc chi Chondria nhưng không tương ứng với một loài đã biết. Sự xuất hiện đột ngột và gia tăng nhanh chóng của nó trong khu vực là mối quan tâm đặc biệt vì PMNM là một môi trường xa xôi và nguyên sơ.

Theo các nhà nghiên cứu, điều kiện môi trường trong khu vực thay đổi do biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân hình thành loại tảo này trên các rạn san hô của đảo san hô Pearl và Hermes.

Trước đó, thông tin từ tờ Thông tấn xã Việt Nam, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến tảo diệp lục xâm lấn các hồ núi ở miền Tây nước Mỹ, nhiều vùng chuyển đổi sang màu xanh. Nghiên cứu của các nhà hoa học thuộc trường Đại học bang Colorado (Mỹ) tiếp tục cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái nguyên sinh.