Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống thấp kỷ lục trong vòng 30 năm vì đòn áp thuế của Mỹ

VietTimes -- Tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng gần ba thập kỷ qua.
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn

Theo hãng tin Reuters, báo cáo quý 3/2019 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc chậm hơn dự kiến và chạm ngưỡng thấp kỷ lục trong vòng gần ba thập kỷ qua do tác động xấu từ cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến xuất khẩu nước này sụt giảm đáng kể.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức tăng trưởng quý II là 6,2%, đồng thời thấp hơn mức dự báo ban đầu là 6,1%. Số liệu này khiến các đối tác thương mại và các nhà đầu tư vào Trung Quốc không khỏi lo ngại về tình hình ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra và trước mắt là sẽ là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu theo chu kỳ 10 năm.

Nie Wen, một chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải nhận định nguyên nhân khiến mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại từ cuối năm 2018 đến nay chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút và ngành công nghiệp của nước này đã yếu đi, bên cạnh việc bị hạn chế xuất khẩu do các đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ. Giới quan sát dự báo đà tăng trưởng vào quý IV năm 2019 của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm xuống.

Để đối phó với tình trạng trên, chính quyền Bắc Kinh sẽ cần triển khai thêm các biện pháp kích thích, thúc đẩy kinh tế cũng như giảm thiểu đà giảm sâu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Trong một cuộc họp ngắn sau khi công bố dữ liệu GDP, ông Mao Shengyong, phát ngôn viên của cơ quan thống kê Trung Quốc, đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ địa phương trong năm nay, bao gồm cả chính sách cho vay ngân hàng nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực.

Ngoài ra, chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình cũng chấp nhận để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng yếu đi, nhằm phục vụ nỗ lực củng cố lại hệ thống tài chính và ngăn tín dụng tăng trưởng nóng. Hiện tại, giới chức nước này vẫn đang áp dụng các chính sách kích thích an toàn như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất để giảm thiểu nguy cơ khiến khối nợ trong nước phình to quá mức kiểm soát.

Một tín hiệu đáng mừng cho chính quyền Bắc Kinh khi nước này đã đạt được một thỏa thuận mới với Mỹ về việc hoãn tăng thuế đối với các hàng hóa của Trung Quốc vào tuần trước. Tuy nhiên, giới quan chức cảnh báo vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đưa nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Mặc dù vậy, nếu như các đòn trừng phạt thuế quan được dỡ bỏ, tình hình có thể đảo chiều theo hướng tích cực.

Theo Reuters