Tảng đá nợ công của Việt Nam

Năm 2015 được xem là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, và đưa tăng trưởng Việt Nam về gần ngưỡng ổn định vốn có là khoảng 7%. 
Người dân nặng gánh - Ảnh: Trung Kiên - Dân Trí
Người dân nặng gánh - Ảnh: Trung Kiên - Dân Trí

Việc kinh tế vĩ mô ổn định được xem là nền tảng quan trọng nhất cho việc phát triển kinh tế trong năm bản lề 2016, khi hàng loạt các dự án đầu tư quốc tế lớn sẽ đổ vào Việt Nam từ tác động của TPP và các hiệp định FTA trong năm nay. 

Năm 2015 vì thế được xem là điểm kết thúc của giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, và 2016 là điểm bắt đầu cho một chu kỳ kinh tế mới. Nhưng, nó không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đã bỏ lại mọi rắc rối lại sau lưng cùng với năm 2015, những mảng tối trong quá khứ vẫn đang đeo bám nền kinh tế một cách dai dẳng, và có nguy cơ trở thành thách thức lớn trong năm mới 2016.

Thời điểm kết thúc năm 2015 cũng có thể được xem là thời điểm kết thúc một giai đoạn với nền kinh tế Việt Nam, đó là giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng. Với việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, Việt Nam đã gần như quay trở lại tốc độ tăng trưởng trung bình vốn có ở thời điểm trước khủng hoảng. 

Nhưng, cũng giống như một bệnh nhân vừa mới phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài bệnh tật, các di chứng của căn bệnh cũng như những tác dụng phụ của các liều thuốc chữa trị vẫn còn đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe. 

Năm 2016 vì thế không chỉ là thời điểm kinh tế Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư lớn từ thế giới, mà còn là thời điểm để phục hồi sức khỏe và chấm dứt hoàn toàn những di chứng có hại đó.

Trước hết là những di chứng của giai đoạn khủng hoảng tuy đã được điều chỉnh, nhưng vẫn chưa hoàn toàn được xử lý tận gốc rễ. Tuy các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tích cực thoái vốn ngoài ngành ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng tiến độ hãy còn quá chậm.

 Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng số DNNN cổ phần hóa mới chỉ đạt 173, thấp hơn 40% mục tiêu đề ra là 432 doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sắp có những bước chuyển lớn sau khi đàm phán gia nhập TPP và các hiệp định FTA, thì việc cổ phần hóa chậm các tập đoàn và DNNN đang khiến Việt Nam lãng phí và khó tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho các điều chỉnh kinh tế vĩ mô trong giai đoạn mới.

Nhưng, dù các tập đoàn và DNNN đã bắt đầu bước vào quá trình cổ phần hóa, thì những hệ quả của tư duy kinh tế trước đây của Việt Nam thì vẫn còn nguyên vẹn. Điển hình là vấn đề nợ công. Trên thực tế, nợ công của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây, tức cũng trùng khớp với khoảng thời gian bắt đầu hồi phục sau khủng hoảng. 

Nếu như vào năm 2011 mức nợ công của Việt Nam mới đạt 50,1% GDP, thì 2013 là 54,5%, 2014 là 59,6% và đến hết năm 2015 lên tới 61,4%. Theo ước tính, nợ công của Việt Nam sẽ đạt mốc 64% GDP, tức đã cán tới sát mức trần báo động là 65% GDP.

Điều này có nghĩa là, trong khoảng thời gian 4 năm hồi phục kinh tế sau khủng hoảng từ cuối năm 2011, Việt Nam đã tăng cường những khoản vay để ổn định nền kinh tế theo lũy tiến, và thời điểm kết thúc năm 2015 là lúc những gánh nặng nợ công này tích tụ lại. 

Có thể coi đây là cái giá nền kinh tế Việt Nam phải trả để có được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và vượt ra khỏi dự đoán của thể giới trong năm 2015 là 6,7%. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vì thế cũng giống như một người bệnh dùng quá nhiều thuốc với hy vọng chấm dứt được những căn bệnh, nhưng khi sức khỏe hồi phục thì những tác dụng phụ của thuốc bắt đầu nảy sinh.

Và những tác dụng phụ với Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng nguy hại không kém những gì mà căn bệnh khủng hoảng đã gây ra. Dù tổng mức nợ công vẫn ở dưới trần báo động là 65%, nhưng những ảnh hưởng của nó thì đã rất nặng nề. 

Trước hết là nợ gốc phải trả, tính đến năm 2013 thì tổng nợ gốc mà Việt Nam phải trả là 125.800 tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách để trả chỉ ở mức 55.600 tỷ, còn khối lượng nợ gốc phải đảo nợ là 70.200 tỷ.

Nguy hiểm không kém, là lãi nợ phải trả cũng chiếm một tỉ lệ ngày càng lớn trong tổng chi ngân sách. Tính đến cuối năm 2014, lãi phải trả đã chiếm đến 6,7% tổng chi, ở thời điểm hiện tại lãi mà Việt Nam phải trả chỉ thấp hơn các khoản chi dành cho giáo dục (chiếm 17,3%) hay lương hữu và an sinh xã hội (chiếm 10,8%) và quản lý hành chính (9,7%), trong khi lấn át hầu hết các khoản chi thường xuyên khác. 

Tính đến năm 2015, tỉ lệ thu ngân sách để trả lãi thường xuyên ở mức độ cao, lên tới khoảng 9,2%. Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã cảnh báo Việt Nam rằng ngân sách trả nợ đang làm xói mòn nghiêm trọng nguồn vốn cần thiết để đầu tư cho phát triển kinh tế và các lĩnh vực then chốt khác.

Đây được xem là hệ quả tích tụ nhiều năm của việc sử dụng nguồn vốn vay tràn lan, lãng phí và thiếu hiệu quả. Và ở thời điểm hiện tại nó đang đe dọa nghiêm trọng ngân sách quốc gia, khi nợ và lãi phải trả đang ngày càng cao trong khi hiệu quả kinh tế từ các công trình sử dụng lại khá thấp. 

Nó có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, chẳng hạn như chính phủ sẽ buộc phải tăng cường thu ngân sách, chẳng hạn như tăng thuế, để bù đắp khoản thâm hụt đó. Điều này có thể lại gây ra những tác động lớn, khi ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức thu nhập và tiêu dùng của người dân. 

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ hội nhập toàn diện và sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua TPP và các FTA từ năm 2016, thì điều cần làm là phải tăng cường giảm thuế để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Trên thực tế, nếu không có những phương án cải thiện việc giải quyết nợ và lãi phải trả hàng năm để cân bằng ngân sách, thì trong tương lai Việt Nam sẽ gặp những rắc rối lớn. Sau khi gia nhập TPP và các hiệp định FTA, hầu hết các dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu nước ngoài sẽ giảm đáng kể, trong đó có nhiều loại giảm về 0%.

 Nếu cứ tiếp tục tình trạng để thu ngân sách phụ thuộc vào thu thuế thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng, nhất là khi gánh nặng thuế phí trên vai người dân đã quá cao, trung bình cao hơn 1,4 đến 3 lần so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, số doanh nghiệp nội địa hoạt động thiếu hiệu quả và giải thể cũng ngày càng cao, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế của ngân sách nhà nước.

Sự tích tụ các khoản nợ công trong nhiều năm và lãi phải trả đang thực sự là một tảng đá nặng buộc vào chân chú chim là nền kinh tế Việt Nam đang muốn bay cao trong năm 2016. Rõ ràng là khi chưa thể gỡ bỏ tảng đá này hoặc ít nhất cũng làm cho nó nhẹ đi, thì việc nền kinh tế cất cánh chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhàn Đàm - Theo Một thế giới