Tân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: “Nữ tướng” kỹ trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngày 12/11/2020, Quốc hội chính thức phê chuẩn, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mười ngày sau đó, thị trường đón nhận điểm nhấn đầu tiên của tân tư lệnh ngành.

Ngày 23/11/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm mạnh giá mua vào USD. Bước đi này được chú ý vì là lần điều chỉnh đầu tiên trong năm, vì mức giảm mạnh, vì bối cảnh.

Về thời điểm, đây cũng chính là điểm nhấn đầu tiên của tân Thống đốc đối với thị trường, mang theo những thông điệp.

NGƯỜI CỦA GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI

Trước đó một tháng, đã có những dự báo, tính toán trong giới phân tích về khả năng NHNN sẽ giảm giá mua vào USD; mức điều chỉnh dự tính chỉ 25 VND.

Tuy nhiên, những dự báo và tính toán này phải chờ đợi thêm. Bối cảnh liên quan, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cùng thời điểm, các thị trường và nhiều đồng tiền cũng biến động nhất định. Việc điều hành chính sách trong nước hẳn cần bám sát diễn biến bên ngoài.

Và như trên, quyết định giảm giá mua vào USD chính thức đưa ra. Mức giảm khá bất ngờ, 50 VND thay vì bước nhẹ 25 VND như dự báo, hoặc như lần điều chỉnh nhẹ cuối năm 2019. Thông điệp ở đây ít nhất đã có khác biệt về mức độ.

Với bên ngoài, thông điệp điều hành chính sách tỷ giá cũng trở nên mạnh hơn: Việt Nam sẵn sàng có can thiệp hai chiều, với mức độ đáng kể, chứ không chỉ một chiều. Thông điệp này đáng chú ý, khi đặt trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ xem xét Việt Nam ở vấn đề thao túng tiền tệ.

Cùng với quyết định hạ giá mua vào, NHNN tiếp tục duy trì tín hiệu đặt mức giá bán ra USD thấp hơn trần 50 VND. Tín hiệu này rất quen thuộc những năm qua, gắn với giai đoạn bà Nguyễn Thị Hồng là lãnh đạo chuyên trách tại NHNN. Tín hiệu này có nguồn gốc từ những thời điểm căng thẳng tỷ giá trước đây, thị trường khan cung ngoại tệ và nhà điều hành bật tín hiệu sẵn sàng bán ra với giá thấp hơn trần như vậy.

Đó chỉ là một chi tiết trong rất nhiều kỹ thuật, công cụ, sản phẩm để điều hành chính sách tiền tệ mà bà Hồng là người trong cuộc, có trải nghiệm thực tế, được tham gia xây dựng và đổi mới, để nay trở thành một “nữ tướng” kỹ trị của ngành.

Cũng như Thống đốc tiền nhiệm Lê Minh Hưng đi lên từ thực tiễn nóng bỏng của cuộc đấu tranh chống vàng hóa và đô la hóa trong nền kinh tế, bà Hồng được trải qua giai đoạn đổi mới chính sách điều hành với những kỹ thuật, công cụ, sản phẩm thích ứng với biến động, thậm chí có cộng dụng dẫn dắt biến động.

Trước hết, với hàng chục năm ở Vụ Chính sách tiền tệ, người từng đảm nhận vị trí Vụ trưởng ở đây đã nhận được sự tích hợp trong điều hành và “thực chiến”: việc điều hành tỷ giá được cơ cấu lại, từ Vụ Quản lý ngoại hối chuyển sang Vụ Chính sách tiền tệ, cùng một mối với chính sách lãi suất.

Khi bà Hồng ở cương vị Phó thống đốc, chuyên trách lĩnh vực lãi suất và tỷ giá, năm 2016, cơ chế điều hành tỷ giá cũng đổi mới: tỷ giá trung tâm ra đời. Đi cùng, một loạt sản phẩm và nghiệp vụ được triển khai, thực tế đã phát huy sức mạnh hiệu dụng đối với thị trường.

Nổi bật như sản phẩm mua bán ngoại tệ có kỳ hạn được thực thi, ổn định tâm lý thị trường khi có biểu hiện căng thẳng, mặt khác giãn lực hút tiền rải theo kỳ hạn để giảm thiểu tác động lên thanh khoản và lãi suất…

Hay như việc sử dụng linh hoạt tín phiếu điều tiết nguồn, linh hoạt kỳ hạn và lãi suất, trở thành một nghiệp vụ bình thường và uyển chuyển thay vì từng rất nhạy cảm ở giai đoạn trước đây.

Ngày 30/01/2021 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh: Đức Khanh
Ngày 30/01/2021 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Ảnh: Đức Khanh

NHIỀU THỬ THÁCH PHÍA TRƯỚC

Giai đoạn 2016-2020, NHNN đã thành công nhiều mặt: kiểm soát lạm phát ở mức thấp, bình ổn và giảm mạnh được lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường vàng, gia tăng mạnh mẽ dự trữ ngoại hối, tái cơ cấu và sức khỏe hệ thống các TCTD nâng lên với các chuẩn mực cao hơn trong hoạt động, nợ xấu được xử lý một bước rõ rệt về chất.

Và có một giá trị bao trùm: khung khổ chính sách cho hệ thống đã có nhiều thay đổi, theo hướng hoàn thiện hơn và thuận lợi hơn. Điển hình như Luật các TCTD sửa đổi bổ sung đã có những cơ chế mới hỗ trợ tái cơ cấu, siết chặt tiêu chuẩn chất lượng nhân sự ngành, ngăn chặn vốn ảo và sân sau trong sở hữu…

Tân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng được kế thừa những thành quả đó, những thành quả mà bà đã trực tiếp quen thuộc trong cuộc. Nhưng phía trước, nhiều thử thách đang đợi.

Tái cơ cấu đã cho thấy ngày càng trở thành một thử thách lâu dài, tập trung ở các NHTM mua lại bắt buộc. Trong khi đó, nợ xấu nội bảng hệ thống dù chỉ quanh 2% nhưng quy mô nợ cơ cấu lại trong năm 2020 do Covid-19 trở thành một áp lực tiềm tàng khi độ trễ dần rút ngắn.

Cũng bởi Covid-19, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế năm qua đến độ nào đó có thể hình thành những thử thách điều hành trong tương lai, như giai đoạn kích cầu trước đây từng ám ảnh cú “hồi mã thương” của lạm phát, hay lãi suất đảo chiều.

Còn hiện tại, một thử thách đã hiện hữu. Một tháng sau khi Việt Nam có nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử, Bộ Tài chính Mỹ ra cáo buộc về thao túng tiền tệ. Dù đã nổi lên hai năm qua, nhưng đây sẽ là một vấn đề mà tân Thống đốc cũng như NHNN phải cân nhắc, tính toán chặt chẽ hơn nữa trong chính sách điều hành tới đây.

Liên quan và không lâu, sau điểm nhấn đầu tiên ở quyết định giảm giá mua vào USD nói trên, một lần nữa thị trường đón nhận ứng xử linh hoạt của nhà điều hành. Ngay từ đầu năm 2021, NHNN chuyển nhịp từ mua ngoại tệ giao ngay sang mua kỳ hạn, lập tức tạo thay đổi các cân đối và các vấn đề liên quan…

Một thử thách khác cũng đang hàng ngày, hàng giờ mở rộng, theo xu hướng phát triển chóng mặt của công nghệ và không gian số. Nhiều fintech và mô hình mới ra đời, cho vay ngang hàng, các hệ sinh thái thanh toán xen huy động và cho vay, đầu tư forex và tiền ảo… đòi hỏi sự bắt nhịp của công tác quản lý, trong đó có vai trò quan trọng của NHNN. Khoảng trống quản lý ở đây càng lớn càng, quyền lực và trọng lực điều hành chính sách tiền tệ có thể càng bị giảm thiểu.

Thử thách để vượt qua, để thêm kinh nghiệm củng cố những thành quả, phát huy những giá trị mới.

Cũng như hệ thống NHTM Việt Nam, trải qua cuộc khủng hoảng 2008, giai đoạn bất ổn 2011-2012, kinh nghiệm quản trị điều hành thêm thanh lọc và củng cố, các yếu tố nền tảng được tăng cường, khung khổ pháp lý được gia cố và thêm chặt chẽ để nay vững vàng vượt qua thử thách “năm Covid 2020”.

Nhà điều hành cũng vậy. Những thử thách hun đúc kinh nghiệm. Năng lực đổi mới và thích ứng thử thách, như trên, cũng đã khẳng định giai đoạn vừa qua mà tân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là người trong cuộc. Những giá trị này có trong hành trang của một khởi đầu mới.

Theo BizLIVE