Tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu?

Đó là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khi cho ý kiến vào dự thảo luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay (21.9).
Tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu?

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo cần quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định việc miễn thuế này.

Bà Nga cũng đề nghị, Chính phủ phải có tổng kết để giải đáp quan ngại rất có cơ sở của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội về việc miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập. Bởi trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

“Đề nghị Chính phủ trả lời thời gian qua, việc miễn thuế đối với những mặt hàng tạm nhập tái xuất thường bị lách luật và lợi dụng tập trung vào những mặt hàng nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Dẫn quy định tại điểm e, khoản 9, điều 16 về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trong thời hạn nhất định, quy định: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời hạn gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất, bà Nga cho rằng nội dung này chưa rõ là những mặt hàng nào.

“Khi chúng tôi nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm thì có số liệu cho rằng, đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là công ước của Kyoto”. - Bà Nga nói.

Từ quan điểm trên, bà Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không.

Đề nghị kiểm tra quy định ở khoản 9 điều 16 liên quan đến những mặt hàng chúng ta cho miễn thuế tạm nhập tái xuất xem chúng ta có tuân thủ những quy định về mặt nguyên tắc để tránh thất thu và giải quyết những quan ngại mà Ủy ban tài chính ngân sách đã nêu.

Theo Lao động