Tại sao người Trung Quốc trả tiền cho các nội dung còn Mỹ thì không?

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc chủ yếu nổi tiếng vì luôn sao chép những sáng tạo của Mỹ. Tuy nhiên bây giờ, hoạt động sao chép lại đang diễn ra theo chiều ngược lại.
Ở Trung Quốc, các trò chơi trên điện thoại di động đã khiến việc trả tiền cho nội dung trở nên bình thường. (Nguồn: Bloomberg)
Ở Trung Quốc, các trò chơi trên điện thoại di động đã khiến việc trả tiền cho nội dung trở nên bình thường. (Nguồn: Bloomberg)

Theo Bloomberg, quay lại hồi đầu năm 2016, Li Xiang khi đó chỉ là một biên tập viên tạp chí hay phải làm việc quá giờ ở Bắc Kinh. Thế rồi một cơ hội sản xuất thư tin tức kinh doanh đã đến cùng một ứng dụng mới toanh gọi là De Dao.

Chỉ trong vài tháng, ứng dụng với cái tên có nghĩa là "Tôi lấy" đã thu hút hàng triệu người dùng tra cứu lời khuyên hàng ngày và tìm hiểu mọi thứ từ âm nhạc tới kinh tế. Và Li? Trong vài tháng, anh ta đã có gần 100.000 người theo dõi trả khoảng 30 USD/năm - tương đương doanh thu gần 3 triệu USD mỗi năm.

Câu chuyện như vậy không thể xảy ra tại Mỹ, nơi nhiều người tin rằng các nội dung tin tức nên được cung cấp miễn phí. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các công ty và cá nhân đều có thể kiếm tiền từ các ứng dụng điện thoại thông minh, tin tức, giải trí và mạng xã hội - bằng cách đề nghị mọi người thanh toán trực tiếp thay vì phụ thuộc vào các nhà quảng cáo.

De Dao, được xuất hiện trong tập mới nhất của chương trình podcast Decrypted chỉ là một ví dụ trong toàn bộ nền kinh tế ứng dụng di động nơi những người như Li Xiang có thể kiếm ra tiền tươi thóc thật.

"Ở Trung Quốc, chúng tôi không thực sự bàn bạc về những mô hình do quảng cáo hỗ trợ, dù là trên máy tính cá nhân hay di động," Jenny Lee, một nhà tư bản mạo hiểm của GGV chia sẻ. "Có rất ít công ty khởi nghiệp thực sự phát triển mạnh trên lưng quảng cáo. Thực tế thì có Baidu với công cụ tìm kiếm, nhưng ngoài quảng cáo dựa trên các tìm kiếm, hầu hết các công ty internet lớn ở Trung Quốc tăng trưởng hoặc kiếm tiền bằng cách tính phí trực tiếp với người tiêu dùng."

De Dao, ứng dụng mới được một năm tuổi đã có 7 triệu người dùng. Bạn có thể dễ dàng đăng ký vào các kênh có nội dung theo các chủ đề như mẹo đầu tư hay "cách nghe nhạc cổ điển" - thậm chí là cả sách báo và tạp chí. Mỗi kênh này chỉ tính mức phí khoảng 30 USD/năm. Ứng dụng cũng có thể quản lý các nội dung cho bạn. Thậm chí còn có một cổng vào phần thương mại điện tử, nơi bán các sản phẩm như sách và trang sức cao cấp.

Tại sao người Trung Quốc trả tiền cho các nội dung còn Mỹ thì không? ảnh 1(Nguồn: De Dao)

"Gần đây họ đã mở một cột bài viết do một giáo sư kinh tế của đại học Bắc Kinh chấp bút," Bob Xu Xiaoping, một trong những người đầu tiên đầu tư vào De Dao, cũng là một trong những nhà đầu tư thiên thần thành công nhất Trung Quốc cho biết. "Bạn biết gì không? Ông ấy đã trở thành giáo viên kinh tế giàu nhất thế giới!"

Công ty đầu tư vốn mạo hiểm của Xu, ZhenFund, đã nhiều lần đặt cược vào các công ty khởi nghiệp, mà một số trong đó hiện đã có trị giá hơn 1 triệu USD, hoặc là những công ty được giao dịch công khai. 

Ông đã quyết định hỗ trợ nhà sáng lập De Dao là Zhenyu, một cựu nhà sản xuất truyền hình vì ông nhìn thấy một người dám nghĩ dám làm đã sáng lập ra một công ty khởi nghiệp có tác động thay đổi. "Công ty này đã tạo ra một cuộc cách mạng ở Trung Quốc," ông nói. "Chúng tôi gọi nó là zhi shi fu fei, tức là thanh toán cho kiến thức. Bạn trả phí để [lấy] kiến thức."

Trả tiền cho các nội dung trực tuyến không chỉ đơn thuần là vì mục đích giáo dục. Hoạt động livestream các video cũng rất sôi nổi. Trên toàn Trung Quốc, hàng triệu người sẽ xem bất cứ thứ gì như ai đó ca hát, kể chuyện cười, hay nói về cuộc sống thường ngày của họ. 

Hãy nghĩ về những video ngẫu nhiên bạn có thể tìm thấy trên YouTube, nhưng đang diễn ra trực tiếp. Mọi người có thể xem miễn phí nhưng thể hiện sự yêu mến của họ với chủ video bằng cách gửi cho họ những món quà ảo như ô tô hay hoa hồng kỹ thuật số. Người đăng video sau đó có thể đổi các món quà này thành tiền mặt.

Người Trung Quốc xem những đoạn video trực tiếp mà những người khác có thể thấy là vô vị một phần vì họ có ít lựa chọn giải trí hơn do những quy định khắt khe của chính phủ với truyền thông. Ngoài ra, còn có sự can thiệp của các lực lượng văn hóa và nhân khẩu học.

Ở Trung Quốc, hàng chục triệu thanh niên đã di cư đến các thành phố công nghiệp lớn. Họ sống rất xa gia đình. Vì vậy, truyền video trực tiếp đã trở thành một hình thức bạn đồng hành kỹ thuật số đặc biệt. Kết quả là hàng nghìn - có thể là hàng triệu người có thể kiếm sống bằng cách này.

Lee cho biết mô hình kinh doanh này nổi lên từ thế giới game, nơi mọi người có thể chơi miễn phí nhưng phải trả tiền nếu muốn có trải nghiệm thú vị hơn, ví dụ như những nâng cấp giúp tăng sức mạnh của người chơi. 

"Trung Quốc là nơi đầu tiên đặt ra mô hình chơi miễn phí," Lee cho biết. "Toàn bộ hệ sinh thái đã chuyển sang một môi trường nơi sản phẩm phải được thiết kế tốt hơn để đáp ứng người tiêu dùng vì nếu những tính năng không phù hợp, người tiêu dùng sẽ không trả tiền. Đó là điểm mấu chốt." 

Nói cách khác, các trò chơi trên điện thoại di động đã khiến việc trả tiền cho nội dung trở nên bình thường.

Một yếu tố khác thúc đẩy xu hướng này là sự phổ biến rộng rãi của thanh toán trên di động. Với hàng triệu người Trung Quốc, một chiếc điện thoại thông minh là thiết bị kết nối internet đầu tiên của họ. Họ có thể không đủ tiền cho một chiếc máy tính để bàn hay máy tính xách tay, nhưng các công ty như Xiaomi đang bán điện thoại thông minh với những mức giá rất vừa túi tiền. 

Và bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ có một hệ thống thẻ tín dụng vững chắc như Mỹ, người Trung Quốc đã nhảy cóc luôn đến thanh toán qua di động. Điều này giải thích sự trỗi dậy của WeChat và Alipay, những ứng dụng kết nối điện thoại với tài khoản ngân hàng của bạn.

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc chủ yếu nổi tiếng vì luôn sao chép những sáng tạo của Mỹ. Tuy nhiên bây giờ, hoạt động sao chép lại đang diễn ra theo chiều ngược lại. Mặc dù thuyết phục được người Mỹ trả tiền cho các nội dung trực tuyến là một việc khó, nhưng việc này đang dần có kết quả. 

Một ví dụ hay là Twitch, một trang web nơi bạn có thể xem mọi người chơi trò chơi điện tử. Trang web này đang lên kế hoạch tạo điều kiện giúp các game thủ truyền trực tiếp các trận đấu của họ - những người tạo ra nội dung - kiếm tiền với một tính năng gọi là "cổ vũ," cho phép những người hâm mộ mua những biểu tượng cảm xúc và gửi chúng tới cho game thủ họ hâm mộ. Twitch cũng tạo điều kiện cho những ngôi sao sáng nhất của mình thu phí đăng ký theo dõi từ những người xem.

Trong khi đó, Apple iMessage đã bổ sung thêm các bộ sticker mà bạn phải trả tiền để sở hữu, Facebook hiện đã cho phép người dùng gửi các khoản thanh toán và đặt các chuyến đi trên nền tảng nhắn tin, và Snapchat thì đã đề cập đến việc bổ sung các bộ lọc đặc biệt có thu phí.
Theo Vietnam+
http://www.vietnamplus.vn/tai-sao-nguoi-trung-quoc-tra-tien-cho-cac-noi-dung-con-my-thi-khong/449623.vnp