Cuộc nội chiến Syria sắp bước vào năm thứ 6. Không còn phải tranh cãi gì nữa, đó đã và đang là một thảm họa của nhân loại, mà gần đây nhất đã được khẳng định thông qua những cái chết của người dân và sự hủy hoại tại thành phố Aleppo do quân chính phủ mới giành lại. Sau những lần từ các vị trí quan sát thuận lợi, trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn ở Syria, giờ đây, chúng tôi thấy một điều rõ ràng là, đến hôm nay, cuộc chiến vẫn chẳng đi tới gần hơn một giải pháp nào so với cách đây 6 năm, mặc dù có tới hàng trăm quân nhân Mỹ có mặt tại đây cùng hàng tỷ đô la viện trợ. Cuộc chiến sẽ chẳng đi đến hồi kết vì nó được điều khiển từ bên ngoài và chỉ chấm dứt khi đạt được một giải pháp chính trị bởi những người sẽ phải sống với kết quả của nó.
Kể từ năm 2015, cả hai chúng tôi đã trải qua nhiều cung đường trong khu vực này, một người trong bọn tôi còn nằm trong số rất ít người phương Tây dân sự đặt chân tới những vùng đất tranh chấp căng thẳng bậc nhất tại Syria. Những chuyến đi ấy gồm cả các cuộc phỏng vấn các bên đang tranh giành nhau, từ các quan chức của chính quyền Damascus cho đến các nhóm đối lập người Ả rập hay người Kurd ở Raqqa. Từ quan điểm về cuộc xung đột thông qua nhìn nhận tình hình, chúng tôi tin tưởng tại sao các nỗ lực của Mỹ lại thất bại.
Trước hết, một điều rất quan trọng cần phải hiểu, đó là cuộc nội chiến ở Syria hoàn toàn không phải là mô hình “bắc chống nam” như ở Mỹ trước đây. Cuộc nội chiến này có vẻ giống hình tượng rắn Hydra nhiều đầu (trong thần thoại Hy lạp) chiến đấu chống lại nhau. Gần hai tháng trước tôi được đi cùng Rojda Felat, Chỉ huy chiến dịch ‘Cơn thinh nộ Euphrates của lực lượng Syria Dân chủ (SDF) nhằm cô lập và bao vây Raqqa. Tháp tùng Rojda ngay sau khí quân của cô ấy chiếm được ngôi làng al-Twelaa nằm ở phía Bắc Raqqa, tôi nhận thấy biểu trưng vẽ bằng sơn phun của Ahrar al-Sham, một nhóm đối lập Hồi giáo lớn nhất ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và chiến đấu bên cạnh nhiều nhóm nổi dậy khác được Mỹ ủng hộ. “Làng này nằm dưới sự kiểm soát của IS suốt hai năm, vậy cái biểu trưng này có nghĩa gì?” - Tôi hỏi Rojda. Cô ấy nhún vai, nói: “Bọn họ đều như nhau mà thôi".
Thật không ngạc nhiên khi Rojda có cách nhìn như vậy. Hiện nay, những nhóm như IS, Nusra, Ahrar al-Sham vàmột số nhóm vũ trang trong đội hình Quân đội Syria tự do có thể chống lại nhau nhưng rất khó phân biệt họ theo mục tiêu, lý tưởng. Rojda nhớ lại các sự kiện ở Serekaniye, Til Kocher và Tell Hamis, tại đó các nhóm nói trên hợp sức chống lại quân của cô cho đến khi bị IS thu nạp hoặc bị đánh bật ra.
Các khu vực đối lập nằm ngoài sự kiểm soát của SDF hiện nay hình thành thế da báo giữa các nhóm vũ trang tranh giành quyền bính trong khu vực. Các nhóm Hồi giáo có thể nhất thời đứng về một phía chống lại kẻ thù chung, nhưng lại thường xuyên quay ra chống lại nhau.
Phía bên ngoài Tal al-Saman, chỉ cách đường chiến tuyến của IS vài trăm mét, tôi gặp Abu Sayyaf trong Lữ đoàn Tử vì đạo Raqqa của nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA). Sayyaf đưa ra nhiều nhận xét giống như Rojda. Anh tả lại cảnh nhiều chỉ huy của cả các nhóm thuộc Quân đội Syria Tự do và nhóm Jabhat al-Nusra đứng thề trung thành với IS ở Raqqa. “Một số người trong chúng tôi kháng cự và phản đối, nhưng chúng tôi bị những người cực đoan chi phối”- anh nói. Hồi đầu, Sayyaf và các chiến hữu đi lánh nạn ở miền Bắc Raqqa sau đó tham gia chiến đấu bên cạnh YPG - tổ chức vũ trang của người Kurd trong trận đánh Kobane. Đến nay, có hàng ngàn người Ả rập trong lực lượng liên minh với tổ chức YPG của người Kurd.
Điều thứ hai, mặc dù được nhìn nhận bởi một số người, Quân đội Syria Tự do (FSA) chỉ là một thứ nhãn hiệu, không phải là một phong trào đồng nhất về lý tưởng. Trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, có hàng trăm nhóm được lập ra để chống lại sự kềm kẹp của chế độ Assad. Một số trong bọn họ là những người thực sự yêu nước, yêu tự do và muốn sống trong hòa bình. Một số khác chỉ là các băng nhóm tội phạm lợi dụng sự sụp đổ của hệ thống an ninh để làm giàu bất chính.
Cuộc nội chiến Syria phức tạp là vậy - do sự thay đổi lòng trung thành của rất nhiều phe nhóm chống đối chính phủ - nhưng còn có một thách thức lớn hơn đó là các phe nhóm đó được nhiều quốc gia xung khắc lẫn nhau ủng hộ: Qatar, Kuwait, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Vào thời điểm hiện tại, giữa các nhóm trong Liên minh với SDF do Lầu Năm góc hỗ trợ và các nhóm trong chiến dịch Lá chắn Euphrates được Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạo được CIA ủng hộ thường xuyên xảy ra sự thù địch lẫn nhau.
Muốn có giải pháp cho sự hỗn độn trong việc thay đổi chế độ này, bước đầu tiên cần phải thừa nhận rằng, không thể chiến thắng bằng quân sự.
Giải pháp cho vấn đề không có lời giải đó chỉ có thể tìm thấy trong nội bộ đất nước này. Hoa Kỳ cần phải thừa nhận rằng việc thay đổi chế độ là chiến lược thất bại, thực ra là không thực hiện được.
Hoa Kỳ nên nhận trách nhiệm tăng cường nguồn vốn ngoại giao hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp hơn là cung cấp vũ khí và huấn luyện (không thể dập lửa bằng cách đổ thêm dầu). Những nỗ lực giữa Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cục tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan khác thuộc Bộ Nội vụ cần phải tiếp tục để đảm bảo rằng các mối đe dọa từ Syria không thâm nhập vào nước Mỹ. Trong số các lực lượng tại Syria, các nhóm Syria dân chủ của người Ả rập và người Kurd là có khả năng hơn cả để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS. Nhưng họ cần đấu tranh để giành lấy tương lai của chính mình.
Chính sách của Mỹ đối với Syria trong khoảng 6 năm gần đây là một sự thất bại hoàn toàn - và ở khu vực Trung Đông cũng gần như vậy - bởi chính sách đó đi chệch một cách nguy hiểm so với bất cứ một chiến lược nhất quán nào, chưa nói tới sự chệch hướng khỏi lợi ích sống còn của nước Mỹ và hầu như chỉ dựa duy nhất vào các công cụ quân sự nhằm đạt được một số mục tiêu không rõ ràng, không cụ thể
Đã đến lúc thà muộn còn hơn không, thoát ra khỏi cách làm không mang lại hiệu quả và bắt đầu một chiến lược mới có thể mang lại cơ hội thành công.
Joey L. là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim chuyên nghiệp người Canada, có cơ sở tại Brooklyn, New York.
Daniel L. Davis là cộng tác viên khoa học cao cấp về vấn đề quốc phòng, nguyên Trung tá Lục quân Mỹ, nghỉ hưu năm 2015 sau 21 năm phuc vụ trong quân ngũ, từng 4 lần tham chiến.Bài viết thể hiện quan điểm của hai tác giả đăng trên tạp chí The National Interest ngày 20/4/2017