Tại sao khán giả truyền hình phải “nhặt sạn”?

Nhiều câu hỏi về kiểm duyệt các chương trình liên kết. Trách nhiệm của nhà đài ở đâu khi khán giả thường xuyên phải “nhặt sạn” cho các chương trình truyền hình?
Một số chương trình của VTV bị dư luận phản ứng

Sai sót trong quá trình kiểm duyệt dẫn đến việc để lọt hình ảnh bản đồ không có hình ảnh các đảo của Việt Nam, đồng thời không có đường biên giới dẫn đến đặt nhầm địa điểm Hà Nội nằm trên địa phận Trung Quốc trong chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” một lần nữa đặt ra dấu chấm hỏi về quá trình kiểm duyệt của nhà đài với các chương trình liên kết sản xuất.

Không phải lần đầu

51 là con số thống kê do Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra về những sai phạm của VTV, tính từ năm 2013 đến thời điểm tháng 3-2015. Những sai phạm chủ yếu liên quan đến quy trình thủ tục đăng ký và nội dung thông tin trong các chương trình liên kết với những đối tác ngoài.  

Những sai phạm về nội dung có thể kể đến là thông tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Ngoài ra còn có những sai phạm về thời lượng quảng cáo vượt quá mức cho phép theo quy định.

Trước hết là tôn trọng khán giả

Đó là khẳng định của một chuyên gia truyền hình, người có kinh nghiệm nhiều năm trong quá trình thẩm định, kiểm duyệt các chương trình liên kết.

“Chính sách kiểm duyệt phải rất nghiêm túc, tôn trọng nhà tài trợ, nhà sản xuất nhưng quan trọng hơn hết là tôn trọng khán giả”, chuyên gia này chia sẻ.

Ảnh chụp lại từ clip chương trình "Quà tặng cuộc sống" của VTV3 trên YouTube

Một chuyên gia sản xuất chương trình cho biết thông thường, các đài truyền hình sẽ kiểm duyệt và theo sát chương trình trước khi ghi hình, khi có thành phẩm và cả sau phát sóng.

“Bước đầu tiên là kiểm duyệt về kịch bản, nếu kịch bản có vấn đề thì phải chỉnh sửa ngay trước khi ghi hình. Sau khi ghi hình và dàn dựng thành phẩm, nếu thấy có vấn đề, nhà đài vẫn yêu cầu cắt bỏ, không cho phát sóng. Chúng tôi từng không được phát một vài chương trình khi khách mời dính xìcăngđan ngay trước khi lên sóng”, chuyên gia này chia sẻ.

Một vấn đề khác cần cân nhắc theo các chuyên gia là sự cân bằng giữa tính giải trí và các yếu tố nhân văn, giáo dục trong một chương trình truyền hình. Nếu đi sâu khai thác thị hiếu hay chạy theo những chuyện giật gân thì rất dễ sa đà và tạo ra sự phản cảm.

“Các yếu tố về nhân văn, giáo dục, định hướng thẩm mỹ phải đi kèm với chức năng của truyền hình là giải trí. Giải trí để định hướng giáo dục. Không đi sâu khai thác thị hiếu quá đà như chuyện xìcăngđan, tạo sự thu hút khán giả bằng mọi cách” - một chuyên gia thẩm định chương trình nói với TTO.

Hội đồng kiểm duyệt ở đâu?

Rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự ngao ngán khi cứ dăm bữa nửa tháng lại nhặt được “sạn” của các chương trình truyền hình. Một điều khó lý giải là tại sao khán giả lại phải là người nhặt “sạn” nếu như nhà đài có một quy trình kiểm duyệt nội dung và hình ảnh của các chương trình liên kết trước khi phát sóng?

Không khó để kể ra những “sự cố” từ các chương trình liên kết, như vụ để lộ hình ảnh chặt đầu ba ba phản cảm trong chương trình “Vua đầu bếp Việt Nam”, thí sinh uống nhầm axit trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, đoạn phim phản cảm “Nhặt xương cho thầy” hay sự cố dùng khăn piêu làm khố trong chương trình “Nhân tố bí ẩn”…

“Sạn” mới nhất là vụ sử dụng hình ảnh bản đồ không có các đảo và đặt nhầm địa điểm Hà Nội trong chương trình “Điệp vụ tuyệt mật”.

Các thí sinh tham gia Điệp vụ tuyệt mật

Câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt các chương trình liên kết ra sao một lần nữa được đặt ra với các nhà đài. Bởi lẽ nếu có sự kiểm duyệt chặt chẽ thì những hình ảnh phản cảm, những thông tin sai sự thật sẽ bị cắt gọt, xử lý trước khi chương trình đến với hàng ngàn khán giả truyền hình.

Bạn đọc Hà An thẳng thắn đóng góp: Dường như vai trò của VTV đối với các chương trình hợp tác ngày càng mất dần? Một kênh truyền hình quốc gia mà lại để hình ảnh vi phạm chủ quyền đất nước phát sóng công khai trước hàng chục triệu dân. 

Vụ“Huyền Minh - Anh Thúy” trong chương trình truyền hình thực tế X-Factor - Nhân tố bí ẩn là một trong 51 sai phạm của VTV trong các chương trình liên kết- Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

“Không hiểu nổi” là ý kiến của bạn Đào Ngọc. “Cả một đội ngũ những người làm chuyên môn, tập trung sản xuất chương trình mà lại để có lỗi nghiêm trọng như vậy, do người xem phát hiện thì không hiểu nổi”, bạn đọc này viết.

Bạn Vô Thường (Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Lần nào cũng là người xem phát hiện, nhà đài rút kinh nghiệm rồi cứ thế lặp lại, lần này không biết lần thứ bao nhiêu rồi”.

Anh Nguyễn Hưng (Q.3, TP.HCM) cho rằng liên kết sản xuất chương trình là xu hướng tất yếu và góp phần làm đa dạng các “món ăn” trên truyền hình cho người dân.

“Tuy nhiên, việc để những “đầu bếp” bên ngoài nấu nướng, chế biến rồi mang lên bàn tiệc mà không có sự kiểm tra, nêm nếm, xem xét lại hoặc kiểm tra qua loa thì quả là tai hại” - anh Nguyễn Hưng nói.

Theo Tuổi trẻ